Tân Việt linh hoạt chuyển đổi đất lúa

23/10/2018 13:02

Nhờ chuyển đổi những diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả mà nhiều hộ dân ở xã Tân Việt (Thanh Hà) thu được hiệu quả kinh tế cao.


Nông dân Tân Việt linh hoạt chuyển đổi đất lúa để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao

Hiệu quả cao

Mới có vài năm, khu ruộng bãi cấy lúa bấp bênh của người dân thôn Vạn Tuế đã trở thành vùng trồng cây ăn quả tập trung cho thu lãi cả trăm triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, người dân còn tận dụng tối đa quỹ đất để xen canh, tăng thu nhập. Trước kia, 5 sào ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Huyền chỉ để gieo cấy lúa, đủ phục vụ nhu cầu lương thực trong nhà. Giờ đây, vẫn với diện tích ấy nhưng lợi nhuận thu về không chỉ giúp nhà bà trang trải cuộc sống mà còn để được khoản tiết kiệm tương đối. Từ năm 2015, thay vì cấy lúa, bà Huyền đã chuyển sang trồng ổi và rau màu. Nhanh tay tưới lân cho từng gốc ổi để chuẩn bị cắt bán lứa ổi mới, bà Huyền phấn khởi nói: “Trồng ổi không cấp tập như cấy lúa nên tôi chỉ cần một mình cũng có thể xoay xở được. Hơn nữa, bán 1 lứa ổi bằng mấy vụ lúa, do đó ai cũng tham công tiếc việc, không nỡ bỏ ruộng”.

Trước khi quyết định chuyển 8 sào ruộng sang trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Trọng Luân ở thôn Ngọc Lộ cũng mất nhiều thời gian suy nghĩ, trăn trở. Theo ông Luân, chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi rất lớn vì phải thay đổi các điều kiện sản xuất. Nhu cầu về nước tưới của cây lúa khác với các cây trồng khác. Việc cải tạo đất cũng tốn kém hơn nhiều. Nhưng đến nay, hiệu quả kinh tế do chuyển đổi mang lại đã chứng minh quyết định của ông Luân là đúng đắn. “1 sào lúa nếu may mắn không bị chuột phá, không sâu bệnh thì lãi khoảng 500.000 đồng/vụ còn 1 sào ổi ít nhất tôi cũng thu được từ 3-4 triệu đồng/vụ. Nếu tích cực xen canh cây ăn quả với gừng, sả thì lợi nhuận thu được còn cao hơn nhiều. Vì vậy, những khu đồng cấy lúa kém hiệu quả, người dân đều chủ động chuyển sang thâm canh các loại cây trồng khác”, ông Luân thông tin.

Xã Tân Việt có khoảng 450ha đất nông nghiệp thì có gần 200 ha chuyển sang trồng cây ăn quả, rau màu. Hiện tại, không chỉ những khu đất bãi chua trũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà các vùng đồng cao gặp khó khăn về nước tưới người dân cũng linh hoạt chuyển sang các loại cây chịu hạn cho giá trị cao. Những cánh đồng cấy lúa năng suất kém trước đây giờ đã trở thành vùng sản xuất cho hiệu quả kinh tế từ 300-350 triệu đồng/ha, thậm chí nếu thâm canh tốt còn lên tới 500 triệu đồng/ha.

Không chuyển đổi ồ ạt

Xã Tân Việt xác định chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Dù vậy, UBND xã Tân Việt thực hiện chuyển đổi một cách thận trọng, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt làm cho cung vượt cầu. Đồng thời không để cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương để chuyển đổi sai mục đích, ảnh hưởng tới quy hoạch chung về bảo đảm đất trồng lúa.

Theo ông Nguyễn Bá Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nên năm nay, xã tiếp tục rà soát cho chuyển đổi 20 ha sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm. Theo lộ trình, đến năm2020, xã sẽ chuyển đổi thêm 90 ha. Quá trình thực hiện được giám sát chặt chẽ theo đúng quy định để hạn chế việc người dân chuyển đổi tự phát với diện tích manh mún làm phá vỡ hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng. Mỗi khu chuyển đổi đều được quy vùng từ 5 ha/vùng trở lên. Ngoài cây ổi chủ lực, người dân còn trồng đa dạng các loại cây ăn quả khác như đu đủ, chuối, quất, bưởi... để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không chỉ chính quyền nghiêm túc thực hiện quy trình chuyển đổi đất lúa mà bản thân người dân cũng cân nhắc kỹ lưỡng, không làm ồ ạt để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá. Năm2017, gia đình chị Dương Thị Thoa ở thôn Vạn Tuế chuyển hơn 4 sào ruộng sang trồng ổi và bưởi. Tuy nhiên chị không chuyển sang trồng đồng loạt mà lên luống cao hơn so với mặt ruộng ban đầu 30 cm để trồng ổi, bưởi, còn vẫn cấy lúa ở mặt rãnh. Chị Thoa cho biết: “Với cách làm này, vừa có thể tiếp tục gieo cấy một phần diện tích, vừa có nước tưới cho cây ăn quả. Hơn nữa, nếu thấy cây trồng không phù hợp có thể nhanh chóng chuyển về cấy lúa như ban đầu mà không mất nhiều thời gian, công sức”.

Việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa của nông dân Tân Việt đã khai thác tối đa lợi thế sản xuất nông nghiệp nơi đây; là cơ sở để xã phát huy nội lực, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Việt linh hoạt chuyển đổi đất lúa