Sức sống của những trang báo cũ

21/06/2021 10:00

Những tờ báo cũ là kho tư liệu quý, có sức sống riêng và giá trị đặc biệt đối với nhiều người.


Tin hội nghị kết nghĩa giữa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên đăng trên tờ tin Hải Dương số Tết Canh Tý 1960

Kho tư liệu phong phú

Tháng 10.2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được Tỉnh ủy giao phối hợp biên soạn một cuốn sách nhân kỷ niệm 60 năm ngày diễn ra sự kiện kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên. Do sự kiện diễn ra đã lâu, tài liệu ít nên đây là vấn đề khó đối với Ban biên soạn sách.

Ban biên soạn sách của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã sưu tầm, tham khảo nhiều kênh thông tin. Một trong những nguồn tư liệu mà Ban biên soạn sách chọn khai thác là các số báo Hải Dương mới, báo Hải Hưng đã xuất bản. Trong 15 ngày, 3 cán bộ của Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã tìm kiếm, tập hợp, sưu tầm, nghiên cứu thông tin về mối quan hệ kết nghĩa giữa hai tỉnh qua những tờ báo cũ.  

Ban biên soạn sách đánh giá báo Hải Dương qua các thời kỳ là kênh tổng hợp khá đầy đủ thông tin về mối quan hệ giữa hai tỉnh. Trên báo ghi nhận việc chi viện, giúp đỡ, sự gắn bó mật thiết của hai tỉnh. Qua những tác phẩm báo chí đã nói lên tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân giữa Hải Dương và Phú Yên, giúp Ban biên soạn có được nguồn tư liệu để hoàn thành cuốn sách "Hải Dương - Phú Yên lịch sử, tiềm năng phát triển (1960-2020)" gần 300 trang.

Cuốn "Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020)" xuất bản tháng 10.2020 gồm 150 trang với nhiều hình ảnh, tư liệu minh họa rõ nét về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trên các lĩnh vực. Gần 95% trong số hơn 400 tấm ảnh được sử dụng trong kỷ yếu là từ nguồn ảnh của báo Hải Dương. Là người được giao nhiệm vụ phối hợp sưu tầm các hình ảnh, tư liệu từ báo Hải Dương để biên soạn cuốn kỷ yếu, nhà báo Nguyễn Thị Mai Liên, Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn Báo Hải Dương cho biết tổ giúp việc đã tìm kiếm theo các từ khóa trên báo điện tử Hải Dương, sau đó tìm ảnh gốc từ phần mềm tòa soạn điện tử. Trước đây, việc sưu tầm, tập hợp các ảnh để biên soạn kỷ yếu cho các cơ quan, đơn vị khá mất thời gian, thậm chí phải tìm trong kho lưu trữ ảnh đã rửa rất vất vả. Hiện nay, với nguồn lưu trữ trên báo điện tử, tòa soạn điện tử nên việc tìm kiếm thuận lợi hơn. Nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi biên soạn các cuốn sách lịch sử, kỷ yếu về đơn vị mình cũng thường liên hệ với báo để sưu tập ảnh, tư liệu.


Phóng viên đọc, khai thác báo cũ để có thêm nguồn thông tin, chất liệu cho bài viết mới

Chất liệu cho tác phẩm mới

Không chỉ chứa những tư liệu quý, những trang báo cũ còn là chất liệu, nguồn thông tin góp phần tạo nên những tác phẩm báo chí mới có chiều sâu, hấp dẫn, thuyết phục bạn đọc. Theo nhà báo Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội Báo Hải Dương, khi đề cập đến cùng một nhân vật, sự kiện, vấn đề, phóng viên biết khai thác thông tin tư liệu từ quá khứ kết hợp với tư liệu hiện tại thì tác phẩm báo chí sẽ giàu thông tin, hấp dẫn và thuyết phục bạn đọc hơn. Ví dụ khi tìm hiểu viết bài về một doanh nghiệp hoặc cá nhân, nếu biết được thông tin về doanh nghiệp, cá nhân đó trong vòng 5 năm, 10 năm trước, so sánh với hiện tại để thấy được cả quá trình họ phấn đấu, thay đổi ra sao thì người đọc sẽ dễ hình dung hơn, bài viết cũng sinh động, hấp dẫn. Hơn nữa, khai thác, tích lũy tư liệu từ quá khứ giúp phóng viên có thêm hiểu biết, nguồn thông tin dồi dào, là nền tảng để phát triển các ý tưởng cho tác phẩm báo chí.

Một ví dụ về giá trị của các bài báo cũ đó là vào tháng 10.2018, khi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời, phóng viên Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính Báo Hải Dương thực hiện bài viết về những kỷ niệm của cán bộ tỉnh Hải Dương với đồng chí Đỗ Mười. Trước khi thực hiện đề tài, phóng viên phải đọc lại một số bài báo cũ để biết đồng chí Đỗ Mười đã về Hải Dương vào những thời điểm nào, đến những địa phương nào. Từ đó, phóng viên tìm về các địa phương đó, tới những người đã được gặp đồng chí Đỗ Mười. Nhiều bài báo cũ chính là đầu mối để phóng viên khai thác, tìm thêm nguồn thông tin mới.

Từ những tờ báo cũ, nhiều nhà báo đã học hỏi được kiến thức, nghiệp vụ của các đồng nghiệp đi trước. Đầu năm 2016, phóng viên Nguyễn Mơ (Báo Hải Dương) được phân công phụ trách tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp. Đây là mảng đòi hỏi phải có kiến thức rộng và sâu. Trong khi trước đó phóng viên ít có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thông tin về nông nghiệp. “Để nhanh nắm bắt vấn đề, tôi đã dành thời gian đọc các bài báo cũ của đồng nghiệp đi trước, học hỏi được cách viết, cách tìm kiếm, khai thác thông tin”, phóng viên Nguyễn Mơ chia sẻ.

Minh chứng cho sức sống của những tờ báo cũ là hằng ngày vẫn có nhiều bạn đọc đến Thư viện tỉnh tìm kiếm tư liệu lịch sử qua những trang báo cũ. Nhiều người đến tra cứu các sự kiện chính trị, tìm các hình ảnh, tư liệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn lịch sử, thông tin về nhân vật lịch sử, địa phương... để làm đề tài nghiên cứu khoa học, viết luận văn...

 NINH THÀNH

(0) Bình luận
Sức sống của những trang báo cũ