Liên quan đến tên gọi sau hợp nhất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu.
"Cuộc cách mạng" về tinh gọn bộ máy theo tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" đang được triển khai hết sức khẩn trương ở cả Trung ương và địa phương. Theo các chuyên gia, việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này. Đây thực sự là một thay đổi mang tính đột phá, không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Khẳng định khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
"Trong nhiệm kỳ trước, ở cương vị Bộ trưởng Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18 rất hiệu lực, hiệu quả. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, đây là thời điểm thích hợp và cấp thiết để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, bởi Nghị quyết 18 đã được thực hiện trong 7 năm qua và thu được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu.
Ông Hà cho rằng, việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực không phải là vấn đề quá mới mẻ mà đã được thực hiện trước đây. Thực tế, trong cơ cấu của Chính phủ từng có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, giờ chỉ còn Bộ Công thương. Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được hình thành thông qua sự sáp nhập các bộ: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản…
"Do vậy, chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực", ông Hà đánh giá.
Ngày 12/12, Thủ tướng chủ trì phiên họp về sắp xếp tinh gọn bộ máy Chính phủ. Thông tin tại cuộc họp cho biết, đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Sau sắp sếp sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); có 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Cùng với đó, tại của các bộ, cơ quan ngang bộ, giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong.
"Xác định tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương" là tên hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận đề xuất đặt tên ban mới sau sáp nhập giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, tên gọi mới phải phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa công tác tuyên giáo và công tác dân vận, vừa kế thừa truyền thống, vừa khái quát ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, bao hàm hết được các công tác tuyên giáo và công tác dân vận của Trung ương trong tình hình mới.
Cũng trong ngày 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với hai Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tại cuộc làm việc này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nêu một số nội dung 2 bộ đang trao đổi thảo luận: tên bộ, việc hợp nhất 3 đơn vị sự nghiệp; kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn chế độ chính sách hợp lý.
Liên quan đến tên gọi sau hợp nhất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu. Chức năng nhiệm vụ hai bộ rất lớn và sẽ được quy định trong nghị định, không đưa nhiều vào tên gọi sẽ dài, chỉ nên chọn có tính chất là “mẫu số chung”. Gợi ý tên gọi là Bộ Công nghệ và Truyền thông, hay Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, Phó Thủ tướng lý giải, vừa làm công nghệ, vừa làm truyền thông, như vậy vẫn bao hàm được các lĩnh vực.
Tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần nghiên cứu về tên gọi sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tên gọi cần có thành tố “tài chính” vì đây cũng là thông lệ quốc tế. Phó Thủ tướng gợi ý một số tên như Bộ Tài chính, Đầu tư hay Bộ Tài chính, phát triển, phù hợp với vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô.
Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
DỰ KIẾN TÊN GỌI CỦA 5 BỘ MỚI SAU KHI SẮP XẾP, HỢP NHẤT
Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển
Cụ thể hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Bộ Hạ tầng và Đô thị
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.
Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Việc hợp nhất 2 bộ này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.
Bộ Nội vụ và Lao động
Hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.