Các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập cần quản lý và sử dụng các công trình nông thôn mới phù hợp, linh hoạt chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh lãng phí.
Sau sáp nhập, xã Ứng Hòe sử dụng trụ sở làm việc của xã Ứng Hòe cũ nên dư thừa trụ sở của 2 xã Quyết Thắng và Ninh Hòa
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các xã trong tỉnh dồn sức đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ dân sinh tốt hơn. Nhưng ở những xã sau khi sáp nhập sẽ dẫn đến dư thừa một số công trình NTM. Sử dụng thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí các công trình là vấn đề đang được nhiều địa phương quan tâm.
Nguy cơ lãng phí
Xã Thanh Quang (Thanh Hà) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã là Thanh Bính, Trường Thành và Hợp Đức. Trước khi sáp nhập, các địa phương này đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Những công trình thực hiện theo tiêu chí NTM như trụ sở làm việc, sân vận động trung tâm, nhà văn hóa trung tâm, trạm y tế... đã được các xã cũ đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang.
Hiện tại xã Thanh Quang chỉ sử dụng trụ sở làm việc của xã Thanh Bính cũ, thừa 2 trụ sở. Các hạng mục khác cũng chỉ cần 1 công trình phục vụ cho những hoạt động quy mô cấp xã. Theo ông Phạm Đức Ban, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, địa phương chưa có phương án sử dụng các công trình dư thừa do mới đi vào hoạt động.
Trước thời điểm sáp nhập, xã Thanh Bính cũ đã xây dựng NTM nâng cao và cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Song sau sáp nhập, kết quả này không được công nhận nữa, xã mới sẽ phải thực hiện lại từ đầu. Quy mô của các công trình NTM nâng cao của xã Thanh Bính cũ không còn phù hợp với xã mới, điều này gây không ít khó khăn cho xã Thanh Quang xây dựng NTM giai đoạn sau.
Xã Ứng Hòe của huyện Ninh Giang (được sáp nhập từ 3 xã cũ là Ứng Hòe, Ninh Hòa, Quyết Thắng) cũng đang loay hoay xử lý các hạng mục NTM dư thừa. Hiện tại, xã Quyết Thắng cũ đã về đích NTM, xã Ứng Hòe cũ cũng cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM và xã Ninh Hòa cũ còn thiếu 2 tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Khi chưa có hướng dẫn cụ thể, địa phương đang tính toán, cân nhắc thực hiện những tiêu chí còn thiếu phù hợp, nhằm tránh lãng phí.
Ông Vũ Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sau sáp nhập, những tài sản không cố định đã được chuyển về xã Ứng Hòe cũ, còn tài sản cố định chúng tôi đang nghiên cứu phương án để sử dụng hợp lý.
Trước mắt khi chưa có giải pháp tốt nhất, các công trình dư thừa sẽ được quản lý theo quy định về tài sản công". Xây dựng công trình NTM cần kinh phí lớn, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có đóng góp của nhân dân. Nếu khai thác không hiệu quả không những lãng phí mà còn có thể làm cho người dân bức xúc.
Tỉnh yêu cầu các địa phương dừng đầu tư ở các xã sáp nhập
Điều chỉnh công năng phù hợp
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hải Dương đã sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị mới. Hầu hết các xã sáp nhập đều đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Việc sử dụng hợp lý những tài sản này đang là bài toán khó đối với các xã sau sáp nhập.
Mặc dù tỉnh yêu cầu các địa phương sáp nhập dừng mọi hoạt động liên quan đến đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, quản lý chặt chẽ nguyên trạng tài sản sau khi bàn giao nhưng với những công trình dôi dư thì vẫn chưa có phương án giải quyết tốt nhất. Để khắc phục, nhiều xã cần có điều chỉnh để sử dụng hợp lý.
Huyện Cẩm Giàng có 4 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập là thị trấn Cẩm Giàng, các xã Kim Giang, Cẩm Định, Cẩm Sơn thành 2 đơn vị mới là thị trấn Cẩm Giang và xã Định Sơn. Đối với những công trình NTM phục vụ cộng đồng như sân vận động, nhà văn hóa dư thừa, các địa phương có chủ trương giao cho thôn, khu dân cư quản lý và sử dụng với mục đích phù hợp.
Còn đối với cơ sở vật chất trường học sẽ thực hiện theo lộ trình, nghiên cứu chuyển đổi công năng, tạo thuận lợi cho hoạt động dạy và học. "Kỳ họp HĐND tới, huyện sẽ thảo luận về vấn đề này để đưa ra biện pháp xử lý tốt nhất", ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, khi có chủ trương sáp nhập các xã, đơn vị đã có văn bản đề nghị tỉnh và Trung ương có hướng dẫn trong xây dựng NTM đối với các xã này nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Để tránh lãng phí, các địa phương có thể linh hoạt chuyển đổi mục đích sử dụng công trình nhưng phải phục vụ nhiệm vụ NTM.
Các xã có thể xem xét, cân nhắc việc chuyển các công trình dôi dư thành các điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm địa phương, điểm giao dịch thương mại, nơi sinh hoạt cộng đồng..., nhất là khi tỉnh đang triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và sắp tới là NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
DŨNG CƯỜNG