Gần đây có thông tin cho rằng, bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước, nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh.
Trước thông tin trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Vì theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra như adenovirus, enterovirus, coxsackie…
“Bệnh đau mắt đỏ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác”, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virrus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn hoặc bắt tay…. Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi... Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Còn về thông tin “viêm kết mạc do enterovirus thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adenovirus và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adenovirus…”, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học. Vì theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, tác nhân enterovirus gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.
Tác nhân enterovirus đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại các nước Châu Phi (Algeria, Ghana, Morocco, Nigeria, Tunisia), châu Á (Cambodia, China, Hong Kong, India, Indonesia, Japan, Malaysia, Philipines, Singapore, Thailand) và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1969-1971. Gần đây, năm 2014, nhóm virus này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thailand với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân đến khám do bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số gần 72.000 lượt khám bệnh đau mắt đỏ, có hơn 1.000 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm tỷ lệ 1,41%. Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).
Cho đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong trường hợp này, người bị bệnh nên tạm nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Theo báo Tin tức