Ngành thủy sản - một trong những thế mạnh của của nông nghiệp Việt Nam - năm 2018 đã vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á và thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu.
Chiều 15.3, tại buổi gặp mặt báo chí kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến nay, trải qua chặng đường 60 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Cụ thể, năm 1086, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 840 nghìn tấn (trong đó khai thác thủy sản đạt gần 600 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 240 nghìn tấn), xuất khẩu đạt 100 triệu USD.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD |
Giai đoạn 1986-1995 chứng kiến những bước đi mạnh mẽ, phát triển toàn diện ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Năm 1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc đưa tàu thuyền đi khai thác ở vùng khơi và xây dựng cơ sở hậu cần trên đảo tạo điều kiện cho ngành khai thác phát triển mạnh. Nuôi trồng thủy sản trong dân tiếp tục phát triển, phương thức nuôi, đối tượng nuôi đa dạng hơn cho hiệu quả kinh tế cao. Nuôi tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, ngành chế biến thủy sản đã hướng tới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu, giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam được nhập khẩu vào các nước tiên tiến. Từ giữa những năm 1990, ngành thủy sản tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng đòi hỏi của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới.
Nhờ đó, đến năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn, trong đó khai thác 928,8 nghìn tấn, nuôi trồng 415,3 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD.
Đến nay, ngành thủy sản tiếp tục có sự tăng trưởng đều đặn. Theo đó, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,4 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,89 triệu tấn, gấp gần 4 lần so với năm 1995.
Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên hơn 54% năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2018 đạt trên 9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.
Ông Luân cũng cho hay, hiện sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 nước trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đang đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản (chỉ sau Na Uy, Trung Quốc và Nga).
“Việt Nam đứng thứ tư về kim ngạch xuất trên thế giới, đó là thành tựu đáng ghi nhận”, ông Luân chia sẻ.
Năm 2019, ngành thủy sản đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng trên 11%; tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018.
Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản xác định tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị; tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến năm 2025.
B.HÂN (Vietnamnet)