Năm tháng trôi xa nhưng niềm tự hào được kết nạp Đảng, sinh hoạt Đảng ở chiến trường của những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên.
Ông Thoàng (áo trắng) và ông Cứu cùng xem lại những thước phim lịch sử về ngày 30.4.1975
Cũng ghi sổ "người tốt, việc tốt"
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa An và ông Vũ Đình Cứu ở thôn Do Nghĩa, xã Nghĩa An (Ninh Giang) vào những ngày tháng tư lịch sử. Hai ông đều là những người lính vinh dự được kết nạp Đảng ở chiến trường. Nếu ông Cứu bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ để giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước thì ông Thoàng là lính Trung đoàn 825 tình nguyện sang tỉnh Luông Nậm Thà (Lào) từ năm 1979 để hỗ trợ nước bạn tiễu trừ quân thổ phỉ Vàng Pao.
Là một trong số ít đảng viên ở đơn vị, ông Thoàng, khi đó là Phó Bí thư Chi bộ, Đại đội phó, cho biết nhiệm vụ quan trọng mà các buổi sinh hoạt Đảng đều nhấn mạnh đó là công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng của anh em chiến sĩ trong đơn vị. Bởi giữa chốn rừng thiêng, nước độc của nước bạn, phần lớn chiến sĩ là lính nghĩa vụ, chưa được đào tạo chính quy lại phải chống bọn thổ phỉ thường xuyên rình rập, tập kích đánh lén, không dễ giữ vững được ý chí.
"Buổi sinh hoạt nào chúng tôi cũng nhấn mạnh các đảng viên gương mẫu, quán triệt anh em trong đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường. Thấy anh em nào có biểu hiện lo lắng, sợ hãi thì đảng viên phải nắm bắt, kịp thời động viên, làm công tác tư tưởng giúp anh em vượt qua", ông Thoàng nhớ lại.
Từng là Chính trị viên phó, Bí thư Chi bộ đại đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, ông Cứu cho biết nếu ở hậu cứ thì có thể sinh hoạt chi bộ tập trung, còn ở trận địa thì chi ủy tổ chức họp rồi phân công đảng viên đi đến tận nơi, gặp các đảng viên đang trực chiến để phổ biến nội dung nghị quyết.
"Hồi ấy anh dũng chiến đấu là tiêu chí quan trọng nhất để xem xét kết nạp Đảng. Các buổi sinh hoạt Đảng sau mỗi chiến dịch, trận đánh chúng tôi thường bình xét để biểu dương những anh em chiến đấu dũng cảm và đề nghị trung đoàn khen thưởng. Các cá nhân được khen thưởng đều được cấp cho một tấm bìa chứng nhận, kích thước chừng gần bằng bàn tay", ông Cứu hồi tưởng.
Biến nghị quyết thành chiến thắng
Ông Lợi thường cùng vợ ôn lại nhưng kỷ niệm ở chiến trường năm xưa
Năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Đỗ Trọng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 42 (Quân khu Tả Ngạn, sau này là Quân khu 3). Sau thời gian huấn luyện, tháng 11.1971, ông Lợi cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu.
Ở mặt trận tỉnh Kon Tum, với thành tích anh dũng chiến đấu, là "dũng sĩ diệt xe cơ giới", vào một buổi chiều tháng 12.1972, ông Lợi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lễ kết nạp được tổ chức trong hầm trú ẩn, không đầy đủ khánh tiết nhưng trang nghiêm, tự hào.
Nỗ lực phấn đấu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên, đồng đội tin tưởng, từ tháng 12.1973 đến ngày giải phóng miền Nam, ông Lợi lần lượt được giữ các trọng trách Chính trị viên phó, Phó Bí thư Chi bộ rồi Chính trị viên, Bí thư Chi bộ đại đội.
Nhớ lại những buổi sinh hoạt Đảng khi ấy, ông Lợi chia sẻ: "Trong chiến trường, sinh hoạt Đảng không tổ chức định kỳ mà căn cứ vào chủ trương, chỉ thị của cấp trên và thường là trước mỗi chiến dịch, trận đánh. Các đảng viên họp bàn các giải pháp để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, rồi sau đó triển khai, phổ biến toàn đơn vị thống nhất thực hiện. Nếu họp chi bộ trước một trận đánh thì nội dung sinh hoạt chính là tập trung bàn các giải pháp để đánh thắng".
Nhiệm vụ của đơn vị ông Lợi khi đó là chốt yểm, đánh chặn địch để giữ địa bàn tự do sau Hiệp định Paris nên chiến sự rất căng thẳng. Chi bộ ở đơn vị ông chỉ có gần chục đảng viên nên vai trò rất quan trọng. "Trong các buổi sinh hoạt, chi ủy phải thường xuyên quán triệt đảng viên về công tác chiến đấu, tư tưởng, bảo đảm. Đảng viên ở các trung đội, tiểu đội truyền đạt lại cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm. Quân lệnh như sơn nên mọi chủ trương, chỉ đạo đều được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới, trong toàn đơn vị", ông Lợi nhớ lại.
Được vinh dự kết nạp Đảng ở chiến trường, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, trải qua nhiều vị trí công tác, hiện ông Lợi, ông Cứu, ông Thoàng vẫn sinh hoạt chi bộ đều đặn, luôn là những đảng viên gương mẫu, hết mình vì công việc chung ở địa phương.
HOÀNG BIÊN