Xây dựng Đảng

Cần chuẩn mực để tạo dựng vững chắc “cái gốc của mọi công việc”- Bài 2: Kiên định các nguyên tắc sinh hoạt Đảng

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản 13/06/2024 09:30

Suốt chiều dài hơn 94 năm kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn kiên trì, kiên định các nguyên tắc sinh hoạt, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

z5516580350682_73914edd01c9a27543be3303c4e52c6a-3--c90c916a2bfce6e3950299609f0a9d02.jpg
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hải Dương tiếp nhận và bàn giao 11 chi bộ cơ sở điện lực của 11 huyện, thị xã, thành phố về Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (ảnh tư liệu)

Có làm có sai, không ngại tự phê bình và phê bình

Chúng ta đều dễ dàng thống nhất với nhau rằng, đã làm việc là có sai lầm, chỉ những người không làm việc gì mới không mắc phải sai lầm mà thôi. Vì thế, sai lầm không có gì đáng hổ thẹn, vấn đề là chúng ta có dám dũng cảm thừa nhận sai lầm và tìm cách quyết tâm khắc phục hay không. Việc tự phê bình và phê bình chính là biện pháp giúp nhận diện, sửa chữa sai lầm hết sức hiệu quả. V.I. Lê-nin cho rằng “tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”..., “nếu một chính đảng nào mà không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng”... Người rút ra kết luận: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”.

Tại Việt Nam, ngay từ trước khi thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã truyền dạy cho các cán bộ nòng cốt của mình ở Quảng Châu (Trung Quốc) những nguyên tắc quan trọng để xây dựng một Đảng chân chính. Người rất coi trọng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, coi đây là quy luật phát triển của Đảng. Sau này, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Người nhấn mạnh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn coi trọng việc “tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình, coi đó là nguyên tắc sinh hoạt quan trọng, mang tính quyết định. Tháng 7/1939, chỉ sau hơn 1 năm đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3/1938, khi chưa đầy 26 tuổi), đồng chí Nguyễn Văn Cừ, với bút danh Trí Cường, đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, in trong tập sách Dân chúng. Trong “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ, xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Việc tự chỉ trích “thành thật và mạnh dạn” nhằm “thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ, dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người”... Người cộng sản chân chính “dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm ‘mở to mắt ra nhìn sự thật’, ‘phải chịu hoàn toàn trách nhiệm…”.

Ngày 28/11/1959, đến dự và nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình”. Tại Hội nghị, Người khẳng định: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa. Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được”...

Trong suốt hơn 94 năm kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn chú trọng việc “tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, coi đó “là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh”, để Đảng đoàn kết chặt chẽ, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước nhân dân. Thực tế, ở giai đoạn cách mạng nào, vấn đề tự phê bình và phê bình cũng được đề cao, xem trọng. Những đợt cao điểm về công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện, như tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, trong thực hiện cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 – 1956, trong cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1965, đặc biệt là từ khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước sau Đại hội VI (năm 1986)... đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, góp phần khơi dậy tinh thần cách mạng, chặn đứng chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái đạo đức cách mạng, các hiện tượng, hành vi tiêu cực, sai lầm. Việc tự phê bình và phê bình nghiêm túc, kịp thời, khách quan, công tâm, trực diện, thấu tình đạt lý đã giúp Đảng ta nhận diện rõ những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm mắc phải và quyết tâm khắc phục, sửa chữa, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực trong suốt chiều dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quan trọng

w_sinhhoatchibo.jpg
Chi bộ thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục sinh hoạt định kỳ. Ảnh: Thành Chung

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra quan điểm chỉ đạo cho hoạt động của toàn Đảng trong nhiệm kỳ là “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Việc xác định quan điểm chỉ đạo này thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng về công tác xây dựng Đảng, đồng thời đặt ra yêu cầu mạnh mẽ phải đề cao các nguyên tắc xây dựng Đảng trước những thách thức to lớn của tình hình, nhiệm vụ thời kỳ mới. Yêu cầu đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải nhận thức rõ và quán triệt sâu sắc quan điểm này trong hoạt động thực tiễn. Một trong những nguyên tắc đó là tự phê bình và phê bình, để chủ động chỉ ra ưu điểm, để phát huy và nhận thức rõ khuyết điểm để khắc phục, nhằm làm cho đảng viên và tổ chức đảng luôn giữ vững vai trò là người chiến sĩ tiên phong, người lãnh đạo.

Đến đây, xin quay trở lại với nội dung của Nghị quyết 144. Xin nhắc lại rằng, quy định chỉ gồm 6 điều, 21 điểm, nêu hết sức cụ thể yêu cầu, tiêu chí về 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Cả 5 chuẩn mực đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, xúc tích, dễ thuộc, dễ nhớ và cũng không có gì quá mới mẻ hay xa lạ với các cán bộ, Đảng viên. Các nội dung liên quan đến vấn đề tự phê bình và phê bình trải rộng ở tất cả các điều, nhưng cụ thể, sâu sát nhất là ở điều 3 liên quan đến các chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều di sản vô giá, luôn thời sự mà mỗi cán bộ, đảng viên phải cần thiết học tập và làm theo trong công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Người khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên “gốc” của người cách mạng. Người giải thích ngắn gọn rằng, CẦN “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”. KIỆM “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. LIÊM “là trong sạch, không tham lam” và “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”. CHÍNH “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Người kêu gọi phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!”. Trong trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Bác ghi rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Nhắc lại tư tưởng của Người về tự phê bình và phê bình gắn với các đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để thấy rõ hơn việc Đảng ta ban hành Quy định 144, trong đó có nội dung liên quan đến các chuẩn mực về các đức này là hết sức kịp thời, cần thiết, để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục hoàn thiện đường lối lãnh đạo của mình, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, trở ngại, tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn trên mọi mặt trận, ngày càng xây dựng, bồi đắp, khẳng định rõ ràng rằng, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ.

Kỳ 3: “Rửa mặt hằng ngày” để tránh “dơ bẩn”

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần chuẩn mực để tạo dựng vững chắc “cái gốc của mọi công việc”- Bài 2: Kiên định các nguyên tắc sinh hoạt Đảng