Sản phẩm và bao bì

27/04/2021 07:48

Thương hiệu là giá trị vô hình để khẳng định uy tín của sản phẩm nhưng muốn tạo dựng nó phải thông qua việc nhận biết nhãn hiệu từ bao bì, nhãn mác.

Tôi nhớ năm 2018, khi tham dự lễ hội trái cây của một tỉnh bạn, điều tôi ấn tượng nhất không phải quy mô hoành tráng của sự kiện mà là vật phẩm được chuẩn bị để tặng khách mời. Quà tặng đơn giản chỉ là mỳ gạo, dấm vải, cam đường canh. Những thứ này quê tôi không thiếu, chỉ khác là ở đây chúng được đóng gói cẩn thận, bắt mắt. Tinh tế hơn, ngoài bao bì riêng ghi đầy đủ các thông số bảo hộ cho mỗi sản phẩm thì tất cả đều được đựng vào túi có nhãn mác thể hiện địa danh, nơi xuất xứ. Cách làm thương hiệu trong thương hiệu này rất đáng để học hỏi.

Đó là chuyện của tỉnh bạn còn nhìn lại quê tôi, mới vụ vải năm trước thôi, rất nhiều đơn vị, cá nhân phàn nàn về việc muốn mua vải thiều Thanh Hà làm quà biếu song lại lăn tăn vì không có túi, hộp đựng đàng hoàng. Xét về chất lượng, vải thiều Thanh Hà vẫn là số 1. Thế nhưng ở phương diện cạnh tranh để tìm chỗ đứng trên thị trường, loại quả này đang bị yếu thế. Dù chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và cả doanh nghiệp quan tâm tới bao bì, nhãn mác phục vụ đóng gói để nâng cao vị thế cho quả vải song vẫn còn thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu, thị yếu của khách hàng. Đa phần quả vải vẫn được bỏ thùng xốp, đóng bao dứa, đựng trong túi nilon và thương hiệu vải thiều Thanh Hà vẫn chủ yếu được minh chứng bằng... lời nói.

Người dân Hải Dương luôn tự hào là vựa nông sản của miền Bắc. Ngoài sản phẩm tươi, Hải Dương cũng đã có những cơ sở chế biến nông sản. Mặc dù vậy bao năm qua, giá trị thu về từ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Nguyên nhân có nhiều song câu chuyện tôi vừa nghe được từ một nông dân ở thị xã Kinh Môn cũng đáng để suy ngẫm khi thể hiện được phần nào thực trạng mà nông sản của tỉnh đang gặp phải. Khi tham gia một hội chợ ở tỉnh Quảng Ninh, người này thấy các gian hàng khác đều bán với giá từ 180.000-200.000 đồng/lít mật ong. Vì thế, ông rất tự tin là mình có thể bán được nhiều vì sản phẩm của ông vừa có chất lượng tốt mà giá chỉ 120.000 đồng/lít. Tuy vậy, khách hàng chỉ tới xem qua rồi đi, còn những gian hàng bán mật ong giá cao lại rất đắt khách. Lúc đó, ông mới nhận ra vì sao sản phẩm của mình dù tốt, rẻ mà vẫn không thu hút được khách hàng. Xu hướng tiêu dùng hiện nay đã khác, mọi người quan tâm hơn tới sức khỏe của bản thân nên tinh tường hơn trong cách lựa chọn sản phẩm. Mật ong của ông chỉ là sản phẩm đóng chai đơn thuần mà thiếu bộ nhận dạng nhãn hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp nên bị lép vé. Sau khi hiểu ra vấn đề, ông đã chủ động tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ về cách xây dựng thương hiệu.

Nông sản Hải Dương đa dạng, phong phú với hơn 20 loại đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, việc khai thác nhãn hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm vẫn đang trong vòng luẩn quẩn. Vải Thanh Hà là sản phẩm duy nhất của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý cũng không là ngoại lệ. Thương hiệu là giá trị vô hình để khẳng định uy tín của sản phẩm nhưng muốn tạo dựng nó phải thông qua việc nhận biết nhãn hiệu từ bao bì, nhãn mác. Hầu hết nông sản của tỉnh đều đang loay hoay gỡ nút thắt này và lý do đưa ra chủ yếu là thiếu kinh phí duy trì. 

Một vụ vải nữa đang tới gần với tín hiệu được mùa. Năm nay, sau khi nhìn thẳng vào thực tế, tỉnh rất chú trọng tới chuyện làm nhãn mác, bao bì của quả vải. Điều này được thể hiện qua những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh từ sớm. Hy vọng từ một loại nông sản được tổ chức tiêu thụ bài bản, cho hiệu quả thiết thực sẽ là bài học tốt, tạo sức lan tỏa tới các nông sản khác của Hải Dương.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm và bao bì