Nhiều người đi xuất khẩu lao động về đã học được ở môi trường lao động của nước bạn từ tính kỷ luật, kỹ thuật, năng suất, kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp. Nhiều người trở thành những ông chủ.
Trong buổi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày10.6 vừa qua về “Dự thảo Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” (sửa đổi), tôi rất ấn tượng với phát biểu của đại biểu Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về việc xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đại biểu nói những người đi XKLĐ là: “Ra đi làm thuê, về làm chủ”. Đáng quý hơn đó là họ đã “mang về một cái đầu”. Nghĩa là những người từng đi XKLĐ ở nước ngoài đã học được ở môi trường lao động của nước bạn từ tính kỷ luật, kỹ thuật, năng suất, chất lượng đến quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Những năm qua, nhiều người Việt Nam đi XKLĐ đã mang tiền của về xây dựng nhà cửa, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, bộ mặt nông thôn nhờ đó đã có nhiều thay đổi, đời sống khá giả lên. Song, việc tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng còn bộc lộ nhiều bất cập trong tuyển chọn, đào tạo. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lừa đảo, cò mồi, thả nổi khâu quản lý người Việt Nam lao động ở nước ngoài dẫn đến có người vi phạm pháp luật, bỏ trốn, không trở về nước khi hết hạn hợp đồng...
Mặt khác việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động trước khi đi xuất khẩu nhiều nơi thực hiện cũng chưa tốt. Lực lượng lao động sau khi hết thời hạn làm việc tại nước ngoài trở về nước chưa được tận dụng, khai thác hiệu quả, nhất là những lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Làm thế nào để XKLĐ hiệu quả? Trước hết cần thực hiện tốt cả 3 khâu: thứ nhất phải làm tốt việc tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng cho lao động trước khi đi XKLĐ; làm sao để lao động có thể tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng làm việc để khi trở về có thể lập nghiệp, khởi nghiệp được chứ không chỉ đi XKLĐ với mục đích duy nhất để kiếm tiền sau đó về không biết làm gì để phát huy những kinh nghiệm, kỹ thuật đã có khi làm việc ở nước bạn. Thứ hai, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương sở tại, các doanh nghiệp có lao động làm việc tại đó để quản lý, tránh tình trạng để lao động bỏ trốn, ảnh hưởng đến uy tín của lao động khác. Thứ ba, khi lao động hết hạn hợp đồng trở về nước, các địa phương, ngành chức năng cần có trách nhiệm tư vấn, giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp hoặc gợi ý lập nghiệp, khởi nghiệp theo trình độ của mỗi người.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên giao cho đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện việc XKLĐ. Cũng tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói đã thí điểm giao cho đơn vị sự nghiệp của 4 địa phương cho thấy kết quả tốt.
Tại Hải Dương, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh có hơn 4.500 người đi XKLĐ. Những địa phương có nhiều người đi XKLĐ là Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Nam Sách... Lao động của các địa phương này chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong số những lao động đi XKLĐ trở về đã có nhiều người mở trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý là anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ. Sau khi từ Israel về, anh đã mở xưởng sản xuất, tự sáng chế ra máy gieo hạt, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu và nhiều máy khác phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước và xuất khẩu. Đây là điển hình của việc “ra đi làm thuê, về làm chủ”.
Ra đi làm thuê, về làm chủ là một tư duy mới, sáng tạo trong XKLĐ.Trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kế hoạch mỗi năm tỉnh Hải Dương đưa đi XKLĐ khoảng 4.800 người. Mong rằng ý tưởng “ra đi làm thuê, về làm chủ” sẽ được nhân rộng để XKLĐ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày một cao hơn.
VŨ HOÀNG LUYẾN