Những lo lắng trong thời gian cách ly có thể khiến đời sống tinh thần kéo theo cả sức khỏe thể chất của mỗi người trở nên mệt mỏi, khó chịu đựng.
Sau khi xuất hiện chùm 4 ca bệnh của bệnh nhân 867 ở 36 Ngô Quyền, từ 0 giờ ngày 16.8 đã thiết lập vùng cách ly y tế toàn TP Hải Dương ở mức độ cao hơn với các biện pháp quyết liệt để dập dịch. Người dân không được rời khỏi thành phố, trừ các trường hợp thật sự cần thiết và được cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và nước ta. Ngoài tích cực tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, chúng ta cũng cần quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhất là đối với những người trong khu vực cách ly xã hội.
Trong thời gian cách ly, ngoài nỗi lo lắng chung về việc có thể bị lây nhiễm dịch bệnh, mỗi người có thể có một hay nhiều nỗi lo lắng khác. Nhiều người lo lắng vì không thể ở bên người thân đang ở xa, thường là con cái hoặc bố mẹ già. Một số người bị mất việc tạm thời do các dịch vụ không thiết yếu ngừng cung cấp thì lo lắng về kinh tế gia đình trong tương lai. Những người có các kế hoạch phải tạm dừng lại thì sốt ruột không biết khi tiếp tục thực hiện thì có được như dự định hay không. Phần lớn thời gian phải ở trong nhà với những hoạt động lặp đi lặp lại, nhịp sống thường ngày bị đảo lộn, phải giám sát, quản lý con cái trong thời gian không tới trường… làm cho đa số mọi người dễ cảm thấy nhàm chán, tù túng và ngột ngạt.
Những cảm xúc ấy khiến đời sống tinh thần kéo theo cả sức khỏe thể chất trở nên mệt mỏi, khó chịu đựng. Khi sức khỏe tinh thần không tốt, nhiều cảm xúc tiêu cực nảy sinh, người ta dễ hoài nghi, cáu gắt, ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với những người xung quanh, giảm năng suất lao động, có xu hướng không tuân theo những quy tắc đã được cơ quan chức năng khuyến cáo. Nhiều người tìm cách đi ra ngoài để tập thể dục, đến nhà người quen… dù chính họ biết như thế là vi phạm. Và khi vừa hết cách ly, mọi người đổ xô đi làm những việc họ cảm thấy đã bị kìm hãm trong những ngày qua để giải phóng tinh thần cho bản thân, khiến các đám đông khổng lồ được hình thành và rất nhiều người quên mất việc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Và nếu không nuôi dưỡng được đời sống tinh thần lành mạnh, sau khi đại dịch đi qua, sẽ để lại nhiều hậu quả xấu ảnh hưởng lâu dài tới xã hội.
Bởi vậy, chúng ta cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, đặc biệt đối với những người đang trong vùng phải cách ly xã hội. Tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19”. Trong đó có các khuyến nghị phòng chống sang chấn tâm lý trong dịch bệnh cho các nhóm đối tượng: người dân, nhân viên y tế, trưởng nhóm hoặc người quản lý tại một cơ sở y tế, người chăm sóc trẻ em, người già, người bị cách ly. Tuy nhiên, những khuyến nghị vẫn tương đối sơ sài và chưa được phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng để đông đảo người dân nắm được. Các cơ quan chức năng nên có các hướng dẫn cụ thể với hình thức phong phú về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa dịch, nhất là với những người đang thực hiện cách ly xã hội. Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, có các đường dây nóng, website để người dân có thể liên hệ khi gặp các vấn đề về tâm lý. Đối với các địa phương đang thực hiện cách ly, có thể có những chính sách ưu đãi về cước phí truyền hình, điện thoại, mạng internet để họ có thể tăng tương tác xã hội thông qua các phương tiện trung gian. Thường xuyên có những thông báo chính thống về kiểm soát dịch bệnh tại chính địa phương đó để người dân được yên tâm.
Bản thân mỗi người đang trong thời gian cách ly cũng cần ý thức tự chăm sóc đời sống tinh thần lành mạnh. Thay vì đi ra ngoài công viên, tới phòng tập, có thể rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập thể dục tại chỗ; giữ liên lạc thường xuyên với những người thân. Các bậc phụ huynh nên giúp đỡ con mình liên lạc với bạn bè và cùng con xây dựng các trò giải trí lành mạnh tại nhà để trẻ không nhàm chán và chính người lớn cũng bớt căng thẳng…
THÁI HÒA