Góc nhìn

Hải Dương xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Trên "nóng", dưới cũng phải "nóng"

NHẤT NGUYÊN 27/05/2024 05:30

Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

giai-toa-gia-loc.jpg
Sau khi nắm thông tin Báo Hải Dương nêu, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc đã chỉ đạo xử lý, yêu cầu hộ ông Trương Đình Vương ở thôn Đĩnh Đào, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) tự giải tỏa công trình vi phạm kênh ngày 23/4/2024

Ngày 19/7/2023, sau khi nắm thông tin Báo Hải Dương nêu về tình trạng "Ngang nhiên xâm phạm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải", Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý; kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện trong tháng 9/2023.

Không lâu sau, các vi phạm được nêu đích danh trên báo ở huyện Cẩm Giàng đã được xử lý, giải tỏa. Từ đây vấn đề xử lý vi phạm công trình thủy lợi đã "nóng" dần lên ở nhiều địa phương khác sau nhiều năm không được quan tâm, có nơi buông lỏng. Điển hình ngày 1/12/2023, 6 xã của huyện Ninh Giang đồng loạt ra quân tuyên truyền giải tỏa vi phạm hành lang kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường tỉnh 396 và công trình thủy lợi kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ. Chủ trương này được người dân ở đây đồng thuận và tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm.

Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ra Thông báo số 1268-TB/TU ngày 24/11/2023 về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành xử lý các vi phạm xong trước ngày 31/12/2024.

Mới đây nhất ngày 15/5, trong thông báo kết luận về tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và người đứng đầu để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi từ đầu năm 2024 đến nay, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện trong tháng 6/2024. Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 1268 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

vi-pham-thu.jpg
Một gia đình ở thôn Bình Long, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) tháo dỡ vi phạm

Trên đã "nóng", đã mạnh tay, đã đủ sức răn đe, thể hiện quyết tâm cao ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên ở dưới vẫn còn địa phương chưa chú trọng công tác này, chưa bám sát chỉ đạo của tỉnh, chậm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý vi phạm. Có địa phương chưa quyết liệt, làm qua loa, hình thức, để vi phạm tồn tại nhiều, xử lý ít. Nhiều nơi vẫn để vi phạm mới phát sinh. Điều này được thể hiện rõ qua những con số. Tính đến nay cả tỉnh mới xử lý, giải tỏa được 616 trong tổng số 4.288 vi phạm được rà soát. Ngoài 1.422 trường hợp được xem xét giữ nguyên hiện trạng vì không gây ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, còn 2.250 vi phạm bắt buộc phải xử lý, giải tỏa.

Xử lý các vi phạm công trình thủy lợi là việc không hề đơn giản khi số lượng vi phạm lớn, thời hạn hoàn thành xử lý từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Mặt khác nhiều vi phạm là nhà ở đã tồn tại từ lâu hoặc công trình vi phạm xây dựng trên đất có "sổ đỏ". Hải Dương có hệ thống công trình thủy lợi lớn, trải dài, đan xen với các thôn, khu dân cư, nhiều tuyến kênh có bờ kênh là đường thôn, xóm. Khoảng cách giữa bờ kênh và lòng kênh rộng, có nhiều cư dân sinh sống nên dễ phát sinh công trình vi phạm.

Để dưới "nóng", đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm công trình thủy lợi, thiết nghĩ các địa phương, nhất là người đứng đầu từ cấp huyện đến cấp xã phải thực sự vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thủy lợi; kiểm tra, phát hiện sớm các vi phạm và kiên quyết giải tỏa. Đối với các trường hợp được xem xét giữ nguyên hiện trạng cần được đo đạc, chứng minh không gây ảnh hưởng đến an toàn của công trình thủy lợi. Các địa phương quan tâm tạo sinh kế, mở lối đi cho những hộ dân phải phá dỡ cầu dân sinh, lều quán.

Về lâu dài, các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng một số tuyến bờ kênh ra sát lòng kênh để thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ, hạn chế phát sinh vi phạm, đồng thời dành quỹ đất hợp lý phát triển kinh tế-xã hội.

NHẤT NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Trên "nóng", dưới cũng phải "nóng"
    ss