Y tế - Sức khỏe

Phụ huynh ở Hải Dương “soi” bữa ăn bán trú

THANH HÀ 29/09/2024 15:04

Trước nỗi lo an toàn thực phẩm, định lượng bữa ăn có đủ, đúng số tiền phải bỏ ra hay không…, nhiều phụ huynh học sinh ở Hải Dương đã chủ động “đột kích” vào các trường để “soi” bữa ăn bán trú của con em mình.

00:00

z5861554728095_677d74523c7dfc129c31c4eb0e0a8b26.jpg
Việc nhận thực phẩm ở Trường Mầm non Đồng Tâm (Ninh Giang) có sự tham gia giám sát của đại diện cha mẹ học sinh

"Kiểm tra" đột xuất

Có con trai học lớp 5 tuổi B, điểm Tranh Xuyên thuộc Trường Mầm non Đồng Tâm (Ninh Giang), thỉnh thoảng chị Mai Thị Bồng, mẹ cháu Đức Anh lại vào trường để nắm tình hình học tập cũng như việc ăn uống, vui chơi của con. Chị Bồng cho biết, chị không cần báo trước, đến bất kỳ lúc nào cũng được tạo điều kiện cho vào trường. “Buổi sáng khi đưa con đi học, tôi có thể vào kiểm tra thực phẩm xem có tươi hay không. Buổi trưa có thể ra để xem việc nấu ăn có sạch sẽ, khẩu phần ăn của các con có đầy đủ hay không. Tôi thường xuyên hỏi con về bữa ăn ở trường và cháu đều trả lời ăn ngon, thích được ăn cơm ở trường”, chị Bồng nói.

z5864539543102_cedd6831a17c29dbbb070f625d0f97e7.jpg
Khi chuẩn bị thức ăn, người phục vụ đều đeo khẩu trang, dùng găng tay để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm

Là phụ huynh năm nay có con vào lớp 1 nên anh Nguyễn Hữu Thành ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) lo lắng không biết bữa ăn ở trường của con thế nào. Tuần đầu tiên học, anh Thành đã dành 1 buổi để “thăm” bếp ăn của Trường Tiểu học Hưng Đạo. Anh Thành cho biết: “Tôi đến bất chợt nhưng nhà trường vẫn cho chúng tôi vào bếp xem việc nấu nướng, chế biến, chia khay ăn cho các con. Tôi thấy khá sạch sẽ, gọn gàng, món ăn đúng với thực đơn và đầy đặn. Thức ăn được để trên bàn cao, người phục vụ đeo khẩu trang, găng tay. Tôi yên tâm khi nhìn thấy bữa ăn của con như vậy”.

z5864540293908_354ebe7b8dcc1ccc722ab881efa4170b.jpg
Bếp nấu của Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) là bếp 1 chiều, sạch sẽ, đồ ăn được kê trên cao

Theo một phụ huynh ở TP Hải Dương, đến bất chợt thì mới nắm được thực tế đang diễn ra trong việc thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh. Còn nếu được báo trước thì nhà trường sẽ tìm cách "đối phó", những thông tin, hình ảnh cho dù "mắt thấy tai nghe" nhưng lại không đúng với thực tế.

Tạo điều kiện tối đa

z5861554705342_43eba89c10059fb3dca3be9cf52ab313.jpg
Số lượng thực phẩm được ghi biên bản và ký nhận giữa nhà trường, nhà cung cấp và người nấu ăn ở Trường Mầm non Đồng Tâm (Ninh Giang)

Nhiều năm qua, bữa ăn bán trú luôn là chủ đề “nóng” bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, kinh tế của phụ huynh. Nhiều người lo lắng, không biết với số tiền bỏ ra, con em có được ăn uống đầy đủ, thực phẩm có tươi ngon hay không… Tại Hải Dương, đã từng xuất hiện "lùm xùm" về bữa ăn bán trú của học sinh tại một số địa phương. Nắm bắt tâm lý đó và cũng để tránh “dị nghị”, nhiều trường đã phát huy quyền dân chủ, được giám sát của phụ huynh vào bữa ăn bán trú của chính con em họ.

Theo chị Đinh Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tâm (Ninh Giang) việc phụ huynh giám sát bữa ăn có nhiều cái lợi. "Họ được tận mắt thấy quy trình chế biến, chất lượng bữa ăn và cùng là phụ huynh nên khi có ý kiến thì việc giải thích sẽ dễ dàng hơn là để giáo viên, nhân viên nhà trường trả lời", chị Huyền cho biết.

z5861587166920_aa7064a799e652fa3986da4e052c64e9.jpg
Khẩu phần ăn của các bé được tính toán dựa trên phần mềm nên bảo đảm về số lượng và dinh dưỡng

Theo chị Trần Thị Thùy Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ), nhiều năm nay, nhà trường đã thành lập Ban giám sát ăn bán trú, thành phần gồm có các thầy, cô giáo trong trường và đại diện phụ huynh học sinh. Ban giám sát thực hiện giám sát định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc tiếp nhận thực phẩm, quy trình nấu nướng, chia suất ăn cho học sinh. Thực đơn các bữa ăn đều được công khai trên bảng tin của trường hoặc gửi vào Zalo của các lớp. Trường cũng áp dụng phần mềm tính toán định lượng cũng như dinh dưỡng cho từng nhóm tuổi. Đặc biệt, phụ huynh học sinh có thể đến kiểm tra bữa ăn cho các con không cần báo trước, chỉ cần khi đến thông báo cho nhà trường và nhà trường sẽ bố trí người đưa vào khu vực bếp ăn. “Tiền này là của phụ huynh nên họ có quyền kiểm soát sử dụng có đúng mục đích hay không. Việc phụ huynh tham gia kiểm soát bữa ăn cũng bảo đảm tính dân chủ, khách quan, giảm áp lực cho chính nhà trường trong việc tổ chức ăn cho học sinh”, bà Dung nói.

z5864541950587_cc6bb8cfd22ab74e653d105c75e9081f.jpg
Khu sơ chế thức ăn trước khi nấu của Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) sạch sẽ, rộng rãi

Không chỉ phụ huynh, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cũng chủ động nắm bắt, quản lý việc ăn bán trú tại các trường học. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang, ngoài chỉ đạo bằng văn bản, hướng dẫn các trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh đúng quy định thì từ năm 2017, phòng đã áp dụng phần mềm quản lý bữa ăn bán trú. Với phần mềm này, phòng quản lý được số học sinh ăn bán trú từng bữa, các loại thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn, lượng dinh dưỡng cho từng nhóm học sinh… của từng trường.

“Chúng tôi yêu cầu hằng ngày các trường phải nhập đầy đủ thông tin về bữa ăn bán trú trên phần mềm để phòng nắm được và sẽ chấn chỉnh kịp thời nếu thực hiện không đúng quy định. Do áp dụng phần mềm này sớm và nền nếp nên nhiều năm nay, Ninh Giang được đánh giá là địa phương thực hiện tốt việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh”, bà Thắm cho biết.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh ở Hải Dương “soi” bữa ăn bán trú