Phòng ngừa bệnh cúm gia cầm lây sang người

07/03/2023 14:12

Bệnh cúm gia cầm lây sang người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ mức nhẹ đến mức nghiêm trọng. Bệnh tiến triển nhanh và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Cần mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với gia cầm


Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cho người, vì thế chủ động phòng cúm gia cầm luôn là vấn đề cần thiết.

1. Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua đường nào?

Một số loại cúm gia cầm có thể kể đến như A/H5N1, A/H7N9 hay A/H9N2... Trong đó cúm A H5N1 là một trong những chủng cúm A phổ biến nhất. 

Bệnh có thể lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh sang người qua những con đường sau: 

- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh chẳng hạn như giết mổ, mua bán, vận chuyển, sờ hoặc cầm vào gia cầm nhiễm bệnh. 

- Lây gián tiếp qua đường ăn, uống:

+ Vô tình ăn phải thịt của gia cầm đã nhiễm bệnh. 

+ Ăn các món ăn chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, trứng chưa luộc chín kỹ...

2. Người nhiễm cúm gia cầm có triệu chứng như thế nào?

Khi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau: 

+ Sốt.

+ Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên đau nhức người. 

+ Ho và đau họng.

+ Tùy theo mức độ nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng viêm phổi, khó thở, sốc... 

+ Bên cạnh đó, tùy vào từng chủng của virus cúm, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số bất thường đường tiêu hóa hoặc tình trạng viêm não ở nhiều mức độ khác nhau.

3. Cách ngăn ngừa lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Nên áp dụng những phương pháp sau để phòng ngừa cúm gia cầm:

- Không tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.

- Không giết mổ gia cầm bị ốm, đã chết mà cần thông báo đến các cơ quan chức năng của địa phương. Trong trường hợp giết mổ thì cần chuẩn bị những trang bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang. Đặc biệt lưu ý không tiếp xúc với lông, chất thải hoặc máu của gia cầm. 

- Không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. 

- Không nên sờ hay chạm vào gia cầm. Trong trường hợp đã sờ, chạm vào gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó, dù chưa biết gia cầm có bệnh hay không.

- Đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp chuồng trại hoặc chăm sóc gia cầm.

- Không nên tiêu thụ các loại thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

- Khi đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ của gia cầm vẫn nên bảo đảm ăn chín uống sôi. Sau khi chế biến, cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến. 

4. Phải làm sao nếu bị bệnh cúm gia cầm?

Trong trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm, người bệnh cần lưu ý những điều sau: 

+ Nghỉ ngơi trong phòng thoáng đãng và sạch sẽ, không quá nóng và không quá lạnh. Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý không nên nằm điều hòa để tránh tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng. 

+ Nên ăn những loại đồ ăn dạng lỏng như cháo hoặc súp, nước ép trái cây và nước điện giải. Cần uống nhiều nước hơn.

Theo Sức khỏe & Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngừa bệnh cúm gia cầm lây sang người