Phát triển đàn gia cầm: Tránh cung vượt cầu

14/01/2021 17:59

Thời gian qua, đàn gia cầm của tỉnh có xu hướng phát triển nóng. Nếu không có định hướng, kiểm soát trong chăn nuôi sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là mất cân đối cung-cầu.


Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh đã đạt mức 15 triệu con, vượt quy hoạch sản xuất

Lo rớt giá

Nuôi gà thương phẩm hơn 10 năm nhưng chưa khi nào gia đình anh Nguyễn Văn Lập ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) chủ động giảm đàn vụ Tết như năm nay. Trước đây, anh Lập trông mong vào vụ gà Tết, nhưng hiện nay chỉ dám nuôi cầm chừng khoảng 2.000 con, giảm 5 lần. Theo anh Lập, từ đầu tháng 10.2020 đến nay, giá gà duy trì ở mức thấp, chỉ từ 42.000 - 47.000 đồng/kg. Nếu chăn nuôi ổn định, thuận lợi thì còn có lãi, nếu không chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Vì thế, anh không dám tái đàn nhiều mà chỉ thận trọng nuôi số lượng ít dù biết nhu cầu thực phẩm dịp Tết tăng cao. "Nuôi gà nhiều năm song tôi chưa thấy năm nào thị trường gà thịt lại biến động, giá bán trồi sụt như năm nay. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi mà nhiều hộ nuôi lợn chuyển sang nuôi gà dẫn đến nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ chậm. Vì thế người nuôi gà gặp khó", anh Lập nói.

Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh dự báo thời gian tới tiếp tục là giai đoạn khó khăn với người chăn nuôi gia cầm nói chung và nuôi gà nói riêng. Để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do đàn lợn giảm, nông dân ồ ạt phát triển đàn gia cầm. Đây là giải pháp tình thế thiếu bền vững làm chăn nuôi gia cầm có thể đi vào "vết xe đổ" của chăn nuôi lợn thời kỳ trước. Mặt khác, chăn nuôi nông hộ còn nhiều, đẩy chi phí sản xuất lên cao nên người nuôi khó có thể trụ vững khi giá bán không ổn định kéo dài. Đàn gia cầm tăng nhanh khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng là mối lo lớn đối với các hộ. Ông Nhàn khẳng định: "Hiện đàn gia cầm đã vượt ngưỡng làm đầu ra không thuận lợi. Hơn nữa, tiêu thụ vẫn chủ yếu qua trung gian nên càng bấp bênh hơn và thường xuyên bị ép giá. Hiệp hội có hơn 600 thành viên với quy mô chăn nuôi trung bình 2.000 con gà/hộ. Giá gà hiện tại chỉ từ 40.000-45.000 đồng/con, rất lo ngại khi mà Tết Nguyên đán đang tới gần".

Hạn chế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, tổng đàn gia cầm trong tỉnh đạt 15 triệu con, trong đó có 12 triệu con gà, vượt 2 triệu con so với quy hoạch sản xuất của tỉnh. Nếu chỉ nhìn vào con số có thể thấy sự phát triển tích cực của chăn nuôi gia cầm trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, nếu đặt vào thực tế thì mức tăng vượt quy hoạch thể hiện sự thiếu ổn định và theo phong trào. Minh chứng là giá gia cầm thời gian qua chỉ ở mức thấp.

Để khắc phục hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nông dân chăn nuôi gia cầm theo tín hiệu của thị trường. Dù vậy, do không chủ động được thị trường tiêu thụ nên đã dẫn tới cung vượt cầu. Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, người dân sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thừa kéo theo nhiều hệ lụy về giá bán, dịch bệnh.

Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hạn chế lớn nhất trong chăn nuôi gia cầm của tỉnh là liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít. Để tránh cung vượt cầu trong phát triển đàn gia cầm, ngoài rà soát thực trạng chăn nuôi của từng địa phương, chủ động phương án chăn nuôi phù hợp thì cần thắt chặt liên kết theo chuỗi giá trị. Ở Hải Dương đã xuất hiện một số mô hình liên kết chăn nuôi gia cầm song phần lớn doanh nghiệp và người chăn nuôi chỉ tập trung đầu tư vào các công đoạn dễ thu lợi nhuận là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Các khâu góp phần nâng cao giá trị sản phẩm là giết mổ, chế biến vẫn còn nhiều bất cập. Điều này làm cho chăn nuôi gia cầm dù phát triển nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững.

Ngoài những giải pháp về liên kết thì người nuôi phải thay đổi phương thức sản xuất để gia tăng lợi thế cạnh tranh khi lượng gà nhập khẩu với giá rẻ ngày càng nhiều. Chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh không còn phù hợp mà thay vào đó phải chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, chú trọng tới an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

NGUYỄN QUYẾT

(0) Bình luận
Phát triển đàn gia cầm: Tránh cung vượt cầu