Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ triển khai các đợt cao điểm vận động nguồn lực để tổ chức phong trào “Tết Nhân ái” trên toàn quốc với mục tiêu không có người nghèo nào không nhận được quà Tết.
Niềm vui của người dân nghèo khi được mua sắm tại phiên chợ nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình tổ chức. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)
Ngày 10.11, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thông báo phong trào “Tết Nhân ái” với mục tiêu hỗ trợ hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, dự kiến tổng giá trị hoạt động của phong trào “Tết Nhân ái” là 600 tỷ đồng. Thời gian triển khai các hoạt động của phong trào “Tết nhân ái” 2023 bắt đầu từ ngày 1.1.2023 đến ngày 16.1.2023 (tức từ ngày 10.12 đến ngày 25.12 Âm lịch), trong đó cao điểm từ ngày 6.1.2023 đến ngày 15.1.2023 (tức từ ngày 15.12 đến ngày 24.12 Âm lịch).
Nét mới của Phong trào “Tết Nhân ái” là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, bao gồm: Tặng quà và chúc Tết, “Chợ Tết Nhân ái,” “Cửa hàng dịch vụ đón Tết,” cỗ Tết, hoạt động vui Tết.
Ngoài ra, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Tết Nhân ái” 2023 với chuỗi hoạt động hội chợ, tặng quà, vui Tết tại 10 tỉnh, thành, hỗ trợ kinh phí tổ chức phong trào cho 6 tỉnh, thành và 14 tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc da cam cần được trợ giúp.
Đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ các tỉnh khó khăn, chỉ đạo các tỉnh, thành hội triển khai đợt cao điểm vận động để tổ chức Tết cho người nghèo, khó khăn, yếu thế với mục tiêu không có người nghèo nào không nhận được quà Tết.
Phong trào “Tết Nhân ái” được kế thừa từ Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Phong trào nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà-Vui Tết.” Phong trào trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Các hoạt động của Phong trào “Tết nhân ái” được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: Tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có.
Theo Vietnam+