Chơi pháo đất, một trò chơi dân gian của những người nông dân Hải Dương, thường diễn ra từ đầu năm đến hết tháng 4 âm lịch.
Năm mới về Hải Dương chơi pháo đất
Những trận đấu pháo thường niên giữa các làng thường được tổ chức ở sân kho, sân đình vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng.
Theo những người chơi pháo đất lâu năm, đất để đánh pháo ở xã Nghĩa An là tốt nhất tỉnh. Các xã khác thường đến đây mua đất làm pháo.
Đây là loại đất thịt ngoài ruộng không lẫn tạp chất. Sau khi lấy đất về, mọi người dùng dao thái vụn rồi đem phơi nắng cho khô, sau đó đập và giã thật nhuyễn cho đến khi đất dẻo quánh là được.
Khi vào cuộc chơi, các pháo thủ dùng chân dậm lên quả đất cho thành hình bầu dục rồi sau đó dùng tay nặn. Khâu làm manh hay còn gọi là viền mép pháo cũng rất công phu.
Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước rồi vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo cho đều. Tiếp đó dùng dao bằng cật tre khía sâu vào rãnh của manh pháo cho đứt hẳn rồi lại dùng đất phủ kín vết cắt đó.
Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối rồi chuẩn bị gieo pháo.Trung bình mỗi quả pháo đất nặng khoảng 80 kg.
Mỗi trận đấu có 4 sòng và mỗi sòng có 20 lần gieo pháo, trong một sòng, mỗi pháo thủ chỉ được gieo 1 pháo.
Đội thắng ở một sòng thi đấu phải có tổng số thước các pháo cộng lại lớn hơn đội khác từ 2 thước pháo trở lên (một thước pháo bằng 40cm). Pháo đất khi nổ thì hai manh pháo phải bung ra, manh pháo nào bị đứt làm hai đoạn là bị loại.
Ở Hải Dương, ngoài xã Minh Đức (Tứ Kỳ), còn có một số xã có trò chơi pháo đất khá phát triển như Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, Ứng Hoè, Bồ Dương, Kiến Quốc (Ninh Giang).
Theo Giáo dục Việt Nam