Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, chiều 25/2, tại sân đá tam quan ngoại chùa Côn Sơn (Chí Linh) diễn ra Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 11.
210 pháo thủ của 7 đội gồm: Nghĩa An, Ứng Hoè, An Đức (Ninh Giang); Quang Khải, Minh Đức, Đại Hợp (Tứ Kỳ) và Đức Xương (Gia Lộc) tham gia liên hoan.
Liên hoan diễn ra sôi nổi. Rất đông người dân mang theo chiêng la, kèn, trống cổ vũ các pháo thủ. Đặc biệt, đội xã Ứng Hòe (Ninh Giang) có khoảng 300 người đi theo cổ vũ.
Trước khi tham gia liên hoan, các đội đều có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tập luyện chu đáo. Ngay sau Tết Giáp Thìn 2024, các đội đều tập luyện để sẵn sàng tham gia thi đấu. Đội xã Ứng Hòe đã chuẩn bị đất từ năm ngoái. Do địa phương không có chất đất phù hợp, đội xã Đức Xương (Gia Lộc) mua đất của huyện Ninh Giang với giá 210.000 đồng/quả.
Năm nay, hầu như các đội đều có thành viên mới tham gia nhằm bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng cho các mùa liên hoan sau.
Kết quả, hai đội vô địch năm 2023 là đội xã Nghĩa An (Ninh Giang) và xã Đức Xương (Gia Lộc) đều bảo vệ thành công chức vô địch.
Cụ thể, ở nội dung pháo đại, đội pháo xã Nghĩa An giành giải nhất với thành tích 572,4 thước; hai đội của huyện Tứ Kỳ lần lượt giành giải nhì và giải ba gồm: Quang Khải (553,4 thước), Minh Đức (546,1 thước).
Ở nội dung pháo tiểu, đội pháo xã Đức Xương giành giải nhất với 413,1 thước; xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) giành giải nhì với 368,2 thước; giải ba thuộc về đội xã An Đức (Ninh Giang) với 362,1 thước.
Giải cá nhân có dây pháo dài nhất thuộc về pháo thủ Phạm Quang Giám, đội pháo xã Nghĩa An với 28,5 thước.
Pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ tại nhiều xã của các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương).
Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 11 không chỉ là sân chơi rèn luyện sức khỏe, thi đua giữa các địa phương mà còn thể hiện sự kế thừa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.
NHÓM PV