Hầu hết các tỉnh/thành phố đều đặt mục tiêu phấn đấu cho năm 2012 này đạt 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hầu hết các tỉnh/thành phố đều đặt mục tiêu phấn đấu năm 2012 đạt 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Ảnh Chinhphu.vn |
PV. Sau số liệu công bố năm ngoái còn gần 2 triệu trẻ chưa có thẻ BHYT, đầu năm 2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có chỉ đạo giám sát việc cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh không phải trả tiền cho trẻ dưới 6 tuổi. Xin ông cho biết việc giám sát này hiện được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng An: Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã phân công cán bộ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này như: giám sát các địa phương thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ, hướng dẫn địa phương thu thập, báo cáo thông tin; kiểm tra, giám sát điểm và xử lý thông tin, số liệu.v.v.
PV. Việc giám sát này có góp phần thu hẹp lại con số 2 triệu trẻ chưa có thẻ BHYT của năm ngoái chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng An:Tôi tin chắc là các hoạt động này cùng với nỗ lực của các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy việc cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em bằng thẻ BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thể trả lời được là đã giảm con số 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT của năm ngoái hay chưa. Vì 2 lý do chính: Một là, việc nhiều trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ còn phụ thuộc vào hiệu quả triển khai của mỗi cán bộ các Sở ngành chức năng các địa phương, đặc biệt là cấp xã/phường.
Hai là, trung bình mỗi năm toàn quốc sẽ có thêm khoảng hơn một triệu trẻ em được ra đời, số trẻ em này cần được cấp thẻ BHYT và có khoảng 650.000 đến 700.000 trẻ đã lớn vượt ra khỏi danh sách trẻ em dưới 6 tuổi.
Do vậy muốn biết được số liệu chính xác, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần phải xử lý số liệu từ 63 tỉnh/thành phố gửi về trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2012.
PV. Theo các thông tin dư luận phản ánh thời gian qua, một trong những lý do khiến 2 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT có nguyên nhân của việc bất cập trong quy trình cấp thẻ này? Quy trình cấp thẻ này hiện ra sao, đã khắc phục được những bất cập chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng An: Có lẽ việc bất cập trong quy trình cấp thẻ không ảnh hưởng bằng sự thiếu hụt nhân lực trong việc thu thập thông tin, lên danh sách trẻ tại địa phương và vẫn còn có một số ít những người thực thi quy trình đã chưa làm hết trách nhiệm.
Thực ra quy trình cấp thẻ không có gì phức tạp, đầu tiên UBND các xã, phường lập danh sách trẻ dưới 6 tuổi gửi lên Bảo hiểm xã hội huyện, quận tổng hợp để in thẻ, sau khi in xong sẽ được chuyển về xã, phường và phân phát đến các gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên, có nhiều xã, phường cứ 2-3 tháng mới lập danh sách các cháu mới sinh một lần, hoặc lập danh sách không đầy đủ, chậm chuyển danh sách cho BHXH để in, cấp thẻ. Ngoài ra, cơ quan BHXH các cấp còn thụ động, chờ đợi danh sách, chưa tích cực đôn đốc để thúc đẩy việc lập danh sách trẻ em...
PV. Nhiều người cho rằng để nâng cao tỷ lệ trẻ được cấp thẻ BHYT thì thủ tục đăng ký BHYT cần được đơn giản, thuận tiện, chẳng hạn khi trẻ đăng ký làm giấy khai sinh thì sẽ được làm luôn BHYT. Ông nghĩ thế nào về phương án này?
Ông Nguyễn Trọng An:Đúng làkhi trẻ đăng ký làm giấy khai sinh thì sẽ được làm luôn BHYT thì sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương khi trẻ sinh ra rất chậm làm giấy khai sinh, đặc biệt là vùng trẻ em dân tộc, miền núi. UBND xã không lập được danh sách trẻ.
Do vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là con người, là những cán bộ tư pháp, là cộng tác viên, cán bộ xã hội cấp xã. Hiện tại, đội ngũ này của chúng ta đang thiếu cả về số lượng, chất lượng và cơ chế hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ.
PV. Một trong những lý do cơ bản khác khiến nhiều trẻ chưa được cấp thẻ BHYT chính là sự thờ ơ, không đăng ký thẻ BHYT cho con mình của chính một số bậc phụ huynh. Thực tiễn này khá phổ biến hiện nay đúng không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng An:Rất đúng, thực tế đến nay vẫn còn nhiều bậc cha mẹ thờ ơ, không đăng ký thẻ BHYT cho con mình.
Do quy định của Thông tư liên tịch số 9/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 cho phép trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, thẻ khám bệnh miễn phí hoặc xác nhận của cơ sở y tế mà không có thời hạn trẻ đến độ tuổi nào thì chấm dứt quy định này, do đó cha mẹ các cháu không cần hoặc càng không vội xin cấp thẻ BHYT.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều gia đình không làm thẻ mà đem con khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám vượt tuyến với lý do là chất lượng khám chữa bệnh và quy trình thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vẫn còn nhiều thủ tục phiền hà, chưa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi.
PV. Vậy xin ông cho biết mục tiêu hướng đến toàn bộ trẻ dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT liệu có thể hiện thực hóa được sớm không, dự kiến vào khoảng thời điểm nào hoàn tất?
Ông Nguyễn Trọng An: Hầu hết các tỉnh/thành phố đều đặt mục tiêu phấn đấu cho năm 2012 này đạt 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.
Theo tôi, mục tiêu hướng đến toàn bộ trẻ dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT này sẽ trở thành hiện thực và chắc chắn sẽ thực hiện được trên toàn quốc trong 1 vài năm tới. Nếu mỗi người chúng ta đều coi các em như là con em của mình, đặc biệt quan tâm đến trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cán bộ các cơ quan chức năng cần phải lấy quyền lợi chăm sóc sức khỏe của trẻ em làm trọng tâm, không vì khó khăn của người lớn mà để các em thiệt thòi.
Đồng thời, chúng ta cũng cần sớm chỉnh sửa các văn bản quy định, xây dựng các chính sách cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn mạng lưới cán bộ làm việc với trẻ em ở cơ sở.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Thơm - Đỗ Hoài