Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội. Đáng chú ý Bộ Công an đề xuất những giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang GPLX mới.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX được phân chia thành 11 hạng. Trong số này, ba hạng GPLX không có thời hạn gồm A1 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3), A2 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) và A3 (lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự).
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan, người dân. Đối với nội dung liên quan đến GPLX, dù trong dự thảo luật có quy định nhưng hiện nay nội dung này do phía Bộ Giao thông vận tải tiến hành sát hạch, cấp, quản lý.
Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), dự thảo đề xuất cấp đổi GPLX như trên nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tích hợp GPLX.
Hiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu của cục đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ô tô và trên 46,7 triệu GPLX mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp giấy tờ đang gặp khó khăn bởi còn hơn 20 triệu GPLX mô tô bằng giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012.
Loại GPLX này chỉ hiển thị tên và năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ được vào dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng chứng minh nhân dân 9 số, không đồng bộ dữ liệu với căn cước công dân 12 số hiện nay nên cũng không cập nhật được.
Vì vậy, trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích người dân đổi GPLX từ bản giấy sang vật liệu PET (nhựa) để cập nhật theo căn cước công dân 12 số, phù hợp với dữ liệu hệ thống dân cư.
Về lâu dài, Chính phủ cần có lộ trình và chính sách phù hợp đổi GPLX để dữ liệu được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên ủng hộ việc cần đổi GPLX không thời hạn bằng giấy sang thẻ nhựa để phù hợp với xu thế, đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân trong sử dụng.
Tuy nhiên, ông đề nghị Nhà nước phải có lộ trình cụ thể và bảo đảm việc chuyển đổi này thuận tiện, không tốn quá nhiều thời gian chờ đợi và tiền của của người dân.
"Hiện nay các GPLX cần chuyển đổi là GPLX máy, trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên Nhà nước cần xem xét, có chính sách giảm tối đa chi phí, thậm chí miễn phí cho người dân. Có như vậy mới tạo được sự khuyến khích, đẩy nhanh việc chuyển đổi", ông Liên đề xuất.
Anh Trần Đức Nguyên (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay anh vẫn đang sử dụng GPLX bằng giấy được cấp từ năm 2010. Anh ủng hộ đề xuất việc đổi GPLX sang thẻ nhựa, có cập nhật thông tin để có thể tích hợp vào ứng dụng VNeID nhằm thuận lợi trong quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, anh Nguyên cho rằng GPLX đang sử dụng được cấp đúng quy định nên nếu do thay đổi chính sách mà phải đổi thì Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
"Hiện nay, với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thì tôi thấy có thể cho người dân đăng ký đổi trực tuyến. Ngoài ra, về lâu dài với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xây dựng thì nên tính toán tích hợp vào luôn căn cước công dân để người dân chỉ cần xuất trình căn cước thay vì phải cấp, đổi GPLX", anh Nguyên đề xuất. Anh cũng mong muốn Nhà nước xem xét thực hiện việc cấp đổi miễn phí cho người đang còn dùng GPLX bằng giấy.
Theo quy định hiện hành, người dân có thể đăng ký cấp đổi GPLX trực tiếp tại cơ quan cấp phép (Cục Đường bộ Việt Nam hay sở giao thông vận tải các địa phương) hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Mức lệ phí cho một lần đổi GPLX là 135.000 đồng.
Theo Tuổi trẻ