Giấy phép lái xe hết hạn 1 ngày có bị phạt hay không là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người và dưới đây là thông tin giải đáp.
Giấy phép lái xe là một trong những chứng chỉ quan trọng mà người điều khiển bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Mỗi loại bằng lái đều có thời hạn sử dụng nhất định và được quy định rõ ràng trong các văn bản Luật. Việc sử dụng bằng lái xe hết hạn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính.
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi bởi Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định cụ thể về thời hạn sử dụng các loại giấy phép lái xe ô tô, cụ thể:
- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Thời hạn giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe. Căn cứ quy định kể trên thì giấy phép lái xe hết hạn một ngày thì cũng bị coi là vi phạm. Do đó, người tham gia giao thông cần lưu ý thời hạn giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép, khi gần hết hạn thì cần làm thủ tục để đổi.
Người điều khiển được hỗ trợ đổi bằng lái trong một số trường hợp nhất định. Bên cạnh cách đổi bằng trực tiếp, người lái có thể thực hiện thủ tục qua hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng bằng lái hết hạn sẽ bị phạt như sau:
Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với bằng lái xe hết hạn dưới 3 tháng. Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với bằng lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên. So với mức phạt cũ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định mới tăng gấp đôi số tiền lên tới 12 triệu đồng. Đồng thời, thời gian phạt cũng được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Theo VTC News