Đến Việt Nam ở tuổi 59, cái tuổi mà đa số có thể bắt đầu những kế hoạch của tuổi già, nhưng phần đời của Park Hang-seo ở đây bắt đầu bằng tuổi trẻ.
Khi Tiến Linh ghi bàn nâng tỷ số lên 3-0 vào lưới Indonesia ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hôm 15.10, bên ngoài đường piste, HLV Park Hang-seo có hành động lạ.
Thay vì ăn mừng, ông quay vào ghế ngồi. Hai tay ôm đầu. Nhìn xuống đất. Lặng im. Trong hai năm ở Việt Nam, mỗi khi như vậy là thầy Park đang cố che giấu cảm xúc yếu đuối nhất của bản thân. Có lẽ lúc đó ông đang rưng rưng vì cậu học trò nhỏ đã đáp lại lòng tin.
HLV Park Hang-seo uốn nắn Tiến Linh trên sân tập |
Để hiểu vì sao thầy Park có thể đã xúc động vì Tiến Linh, phải nhìn lại cả một quá trình. Lần đầu tiên Tiến Linh xuất hiện trên sân trong vai trò đá chính là trận thắng Campuchia ở vòng bảng AFF Cup 2018.
Tiền đạo của CLB Bình Dương ghi một bàn tuyệt đẹp bằng cú đánh đầu như sách giáo khoa. Nhưng sau đó, Tiến Linh không có nhiều thời khắc tỏa sáng.
Ở Asian Cup 2019, sau khi Anh Đức từ giã đội tuyển, ông Park đưa Tiến Linh và Hà Đức Chinh sang UAE với mục đích tìm người thay thế đàn anh.
Nhưng, người được ông kỳ vọng là Hà Đức Chinh vẫn không thoát được những giới hạn từ thời còn ở Thường Châu. Chinh "đen" càng đá càng lùi về phong độ, phải xuống chơi cho U22.
Trong tay ông Park gần như chỉ còn lại Tiến Linh là đúng mẫu trung phong mà bất kỳ đội tuyển nào cũng cần có. Nhưng ngay cả Tiến Linh cũng cho thấy anh chưa sẵn sàng, buộc ông Park phải gọi Anh Đức trở lại đội tuyển dự King’s Cup 2019. Đó là giải đấu mà Tiến Linh vắng mặt, phải xuống đá ở U23 và ghi bàn vào lưới Myanmar trong trận giao hữu tại Phú Thọ.
Hà Đức Chinh là người từng được đặt hy vọng từ U23 châu Á 2018, bất chấp những dị nghị, thầy Park liên tục tạo cơ hội để anh đá chính. Nhưng có lẽ, đó là một thất bại.
Nhưng với Tiến Linh, ông đã có quả ngọt của mình. Ông đem Tiến Linh sang Thái Lan ở trận đầu tiên vòng loại World Cup 2022, cho đá chính nhưng rút ra ngay sau giờ nghỉ, để sau đó hai ngày anh lập cú đúp vào lưới U22 Trung Quốc. Ông "cất" Tiến Linh ở trận đấu với Malaysia, nhưng lại cho anh đá chính tại Bali, và anh ghi bàn.
Những bài test liên tiếp được đưa ra và bằng một cách nào đó, Tiến Linh vượt qua nó một cách nhẹ nhàng để cuối cùng, mọi thứ đã đúng với canh bạc của thầy Park dành cho cầu thủ này.
Với Tiến Linh, ông đã không thất bại như với Hà Đức Chinh, và câu chuyện của Tiến Linh chính là tất cả những gì có thể xem là "bí mật thành công" mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đã làm trong hai năm tạo lập nên đế chế mang tên mình ở bóng đá Việt Nam.
Khi ký hợp đồng với VFF, ông Park thừa nhận những gì ông biết về bóng đá Việt Nam chủ yếu đến từ đội bóng vừa thi đấu ở U20 World Cup tổ chức ngay tại Hàn Quốc.
Chính thành công của bóng đá trẻ Việt Nam khi đó đã cho ông một công việc nhiều tham vọng. Hay nhìn ở một khía cạnh khác, Park như được tái sinh khi đến với bóng đá Việt Nam. Cái tuổi 59 của ông, hóa ra không phải bắt đầu dưỡng già, mà lại là khởi đầu cho cuộc chinh phục chưa có hồi kết.
Đó thật sự là một sự bắt đầu ngược đời và mạo hiểm nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Bóng đá trẻ Việt Nam vốn dĩ có tiềm năng nhưng lại tiềm tàng rủi ro rất lớn. Năm 2001, HLV trẻ tuổi, nồng nhiệt người Brazil Dido bị mất việc sau thất bại ở SEA Games 2001, kỳ đại hội thể thao đầu tiên mà bóng đá nam dành cho tuổi U23 ở Đông Nam Á.
Năm 2002, HLV Henrique Calisto hằng đêm phải bắc ghế ngồi uống bia ngay trước buồng thang máy để canh chừng một số cầu thủ trẻ, nhất là "thần đồng" Văn Quyến, lẻn khỏi phòng đi chơi. Năm 2005, HLV Alfred Riedl cũng làm việc tương tự ở khách sạn tại Bacolod (Philippines) vì lối sinh hoạt bừa bãi của nhiều cầu thủ U23.
Ông than thở rằng, mình như lão già canh chừng đàn con, vậy mà vẫn lọt scandal bán độ SEA Games 2005, làm hỏng cả một "thế hệ vàng đệ nhị". Tỷ lệ cầu thủ trẻ Việt Nam dính tiêu cực nhiều hơn cả những đàn anh thành danh.
Nhưng khi Park Hang-seo xây dựng đội ngũ, ông bắt đầu từ lứa U23. Một tập thể được kết hợp giữa hai lứa U19 các năm 2014 và 2016, rất tài năng nhưng khi đó, mang nhiều hoài nghi sau thất bại ở SEA Games 2017.
Ông Park chỉ có một tuần để làm việc trước khi cùng U23 dự giải giao hữu M-150 tại Thái Lan và có chiến tích đầu tay khi đánh bại đội chủ nhà trong trận tranh giải Ba. Rồi chỉ nửa tháng sau là kỳ tích tuyết trắng Thường Châu. Tất cả các cầu thủ từ đợt tập trung khi đó, hiện vẫn được HLV Park sử dụng trên mọi cấp độ.
Có người gọi ông bảo thủ, cũng có ý kiến khen ngợi sự kiên định của ông. Nhưng chắc chắn không ai có thể phủ nhận: đến lúc này, ông vẫn đang đi đúng con đường của mình.
Và đó là lý do, đừng gọi Park Hang-seo là "Thầy phù thủy". Ở cái tuổi nếu sang Việt Nam mà thất bại có lẽ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự nghiệp về chiều của mình, Park đã chọn cách khó nhất mà một HLV chuyên nghiệp ít ai chịu làm: Xây dựng nền móng.
Bằng kinh nghiệm của một người có sự nghiệp không suôn sẻ, cùng tình cảm của một người lớn tuổi yêu quý gia đình, ông xây dựng đội bóng bằng tính kỷ luật của một người Cha với những đứa con thay vì sự khắt khe của một ông cụ với lũ trẻ đáng tuổi cháu mình.
Ngày Hà Nội FC thông báo chuyện Văn Hậu sang Hà Lan, HLV Park Hang-seo không giấu được cảm giác bị "sốc". Không phải vì bất ngờ, mà có lẽ nhà cầm quân người Hàn Quốc không tin rằng ông không phải là người biết thông tin ấy đầu tiên.
Văn Hậu là cầu thủ duy nhất chắc chắn được vào sân dưới thời của HLV Park, vị trí của anh thậm chí còn bất biến hơn cả Nguyễn Quang Hải. Đó là cầu thủ trẻ nhất đội, nhưng là ví dụ tiêu biểu nhất cho triết lý dùng người của Park Hang-seo.
Ông thà để dư luận phản đối vì từ chối Nguyễn Văn Quyết, chứ không để bản thân thất bại khi đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ, những người đã vì ông mà kiên trì từng ngày, từng ngày phá vỡ các giới hạn của bản thân.
HLV Park Hang-seo lặng lẽ đứng quan sát, trông chừng khi các học trò nô đùa trong bể bơi ở Asiad 2018 |
Những bài vở trong tập luyện của HLV Park Hang-seo không quá bí mật và khác thường. Mật độ thi đấu liên tục suốt hai năm qua càng khiến cho quỹ thời gian chuẩn bị của nhà cầm quân Hàn Quốc cũng không nhiều, để áp dụng một công nghệ đặc biệt nào đó có tính cách mạng trong lối chơi.
Vẫn chỉ là phòng ngự - phản công cùng một chút uyển chuyển về sơ đồ ba trung vệ, nhưng các đội tuyển dưới tay ông lại cực kỳ ấn tượng về yếu tố thể lực, phẩm chất tinh thần và sự khôn ngoan trong tư duy chơi bóng. Nhiều cầu thủ khi lên đội tuyển, gần như trở thành con người khác - kể cả những người chỉ mới lần đầu tập trung.
Ví như Trọng Hoàng, vốn đá tiền vệ công, chơi băm bổ nên có biệt danh Hoàng "bò", nhưng đang tỏa sáng với vai trò hậu vệ và sự thông minh khi chọn truy cản đối phương. Hay như Quế Ngọc Hải từng có thời bị xem như "đao phủ", thì lúc này giống như một chiến tướng giữa trận tiền...
Có người thậm chí không chơi bóng, vừa hồi phục chấn thương, vẫn có thể ra sân đá tròn trịa chỉ sau vài ngày lên tập trung cùng đội tuyển. Nhiều người đã cố công quan sát cách ông Park huấn luyện, cũng chỉ thấy chủ yếu ông yêu cầu việc duy trì cự ly chiến thuật và kỷ luật đấu pháp trong các buổi tập.
Park Hang-seo không phải là thầy phù thủy. Ông không tạo ra điều gì huyền diệu cả. Đội tuyển của ông là một cỗ máy chiến thắng được cấu tạo bởi phẩm giá của một gia đình biết bảo vệ nhau, người lớn tuổi nhất sẽ bảo vệ những người còn lại.
Cỗ máy đó được vận hành bằng dòng nhiên liệu thượng hạng mang tên Niềm Tin, thứ năng lượng tích cực và nguyên sơ nhất để thúc đẩy con người tự tìm cách phá vỡ các giới hạn của mình.
Người hâm mộ đã ít nhất ba lần dùng từ "thế hệ vàng" để gán cho các lứa cầu thủ trong dòng chảy của bóng đá Việt Nam. Đó là thế hệ của Huỳnh Đức, Hồng Sơn... rồi Văn Quyến, Công Vinh... và lúc này là Quang Hải, Văn Toàn, Duy Mạnh... Mọi sự so sánh, trải qua thời gian, đều có thể gây tranh cãi.
Sự khác biệt nằm ở chỗ ai là người biến "thế hệ vàng" đó trở thành đặc biệt.
Theo VnExpress