Không chịu làm ăn chân chính, "nữ quái" Nguyễn Thị Phượng ở Thanh Hóa đã lập đường dây lừa đảo trên không gian mạng bằng chiêu trò trúng thưởng xe SH mode.
Thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh (Hải Dương) tiếp nhận đơn trình báo của người dân trên địa bàn về việc bị lừa mất hơn 70 triệu đồng bằng hình thức trúng thưởng tặng quà xe máy SH. Nhận thấy đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và trật tự, an toàn xã hội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh khẩn trương tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá.
Từ những manh mối người bị hại cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh từng bước truy tìm, làm rõ vụ việc. Bước đầu cơ quan công an xác định có một đường dây lừa đảo được tổ chức bài bản, chặt chẽ.
Kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh xác định Lê Thị Phượng (sinh năm 1985, ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là người chủ mưu, cầm đầu nhóm. Từ tháng 4 - 11/2023, Phượng thuê nhà của một người dân tại Đội 4, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) làm căn cứ thực hiện việc lừa đảo. Căn cứ của Phượng được trang bị máy vi tính, điện thoại các loại. Phượng cũng tuyển dụng gần 20 nhân viên nữ là người địa phương làm nhiệm vụ gọi điện đóng giả nhân viên tư vấn của ngân hàng, nhân viên bán hàng, nhắn tin mời gọi kết bạn trên mạng xã hội, gọi điện cho khách hàng có nhu cầu vay vốn, mua hàng trúng thưởng xe máy SH có giá trị cao.
Để việc lừa đảo mua hàng trúng thưởng xe máy SH có giá trị cao thành công, Phượng đã dày công suy nghĩ và xây dựng thành một kịch bản với nhiều lớp lang để từng bước dẫn dụ khách hàng. Kịch bản Phượng xây dựng với 5 bước gồm: chương trình 1 mồi báo giải trúng xe SH mode, chương trình 2 mồi làm giấy tờ xe, chương trình 3 mồi cấp phép, vận chuyển giải thưởng, chương trình 4 mồi quy đổi giải thưởng, chương trình 5 mồi cấp phép trao thưởng.
Với các chương trình mồi đưa ra, nếu bị hại tin tưởng, Phượng cho nhân viên gọi điện yêu cầu người trúng thưởng xe SH mode phải chuyển tiền đóng các khoản như làm giấy tờ xe, phí cấp phép vận chuyển hoặc nộp tiền phí quy đổi từ xe sang tiền mặt (hình thức này áp dụng đối với người không muốn nhận xe - mức thưởng được các đối tượng báo cao hơn giá trị của xe SH).
Vì nhẹ dạ, cả tin, ham giá trị giải thưởng lớn, có người đã chuyển cho chúng tổng số tiền bằng giá trị xe hoặc cao hơn như 1 bị hại ở tỉnh Hòa Bình chuyển 78 triệu đồng.
Với khách hàng có nhu cầu vay vốn, Phượng và người trong nhóm hướng dẫn họ làm hồ sơ vay từ 20 triệu - 100 triệu đồng. Sau đó, nhóm đưa ra hàng loạt lý do nếu muốn nhận được tiền, khách hàng cần mua bảo hiểm tiền vay, một số loại thuế phí. Khi khách hàng tin tưởng chuyển các loại tiền này cho Phượng liền bị chiếm đoạt.
Sau khi các bị hại chuyển tiền và thấy việc lừa đảo thành công, nhóm của Phượng sẽ chặn liên lạc, xóa các thông tin trên mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của họ.
Người bị hại ở hơn 40 tỉnh, thành phố
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh, đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã xác định được bị hại ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước sập bẫy đường dây lừa đảo của Phượng. Trong số này, lực lượng công an đã xác minh được 20 người ở 16 tỉnh, thành phố bị lừa mất hơn 600 triệu đồng. 70% số người bị hại liên quan đến đường dây của Phượng là người lớn tuổi vì ít được tiếp cận với thông tin về các hình thức, chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng và nhẹ dạ, tham những phần quà giá trị cao.
Đây là vụ án lừa đảo trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay được công an cấp huyện của tỉnh triệt phá. Để điều tra, làm rõ vụ việc, Công an TP Chí Linh gặp nhiều khó khăn. Do thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng, nên lực lượng công an mất nhiều thời gian, công sức để lần tìm manh mối. Bị hại ở hơn 40 tỉnh, thành phố, công tác xác minh gặp nhiều khó khăn. Nhiều bị hại không hợp tác, có biểu hiện che dấu thông tin với cơ quan công an.
Cũng theo Công an TP Chí Linh, đường dây lừa đảo trên không gian mạng của đối tượng Phượng để lại nhiều tác hại xấu trong cộng đồng, không chỉ đối với người bị hại mà cả những người làm việc cho Phượng. Để nhận được thưởng, nhiều người bị hại phải đi vay mượn người thân, bạn bè để nộp tiền dẫn đến cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả. Nhiều phụ nữ làm việc cho Phượng tuổi còn trẻ, đang nuôi con nhỏ. Chỉ vì không có công ăn việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống đã phải vướng vào vòng lao lý. Số tiền công hằng tháng Phượng trả cho họ rất thấp, một vụ lừa đảo thành công chỉ được hưởng từ 5 - 10% giá trị. Nhiều người nhận thức pháp luật còn hạn chế. Dù biết việc làm sai nhưng họ cho rằng nếu xảy ra việc gì chỉ một mình Phượng phải gánh chịu nên tích cực giúp sức cho Phượng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh đã quyết định khởi tố bị can Phượng và 16 bị can khác cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
DANH TRUNG