Thời gian qua, tội phạm trên không gian mạng ngày càng lộng hành, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân. Công an TP Chí Linh (Hải Dương) đã tập trung đấu tranh với loại tội phạm này.
Triệt phá nhiều vụ việc
Với thủ đoạn không mới, nhưng đối tượng Lê Văn Phong, sinh năm 1992 ở xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của nhiều người trên địa bàn TP Chí Linh.
Khoảng tháng 12/2024, Phong lên mạng tải các video về chim chào mào bạch tạng rồi đăng bán trên tài khoản Zalo với tên “Farm Dế Choắt”.
Khi có người hỏi mua, Phong báo giá, nếu đồng ý mua sẽ chuyển hàng về tận nơi với cam kết có “bảo hành” nếu con chim bị tật, lỗi. Phong yêu cầu người đặt hàng chuyển tiền cho mình trước.
Sau khi nhận được tiền của khách hàng, Phong đã chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền này. Số tiền bị chiếm đoạt của mỗi nạn nhân không nhiều nên mọi người không khai báo, nhưng qua nắm bắt tình hình cơ sở, Công an TP Chí Linh đã tập trung làm rõ vụ việc.
Các trinh sát đã tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, tập trung các tài khoản có biểu hiện nghi vấn, qua đó đã phát hiện đối tượng Phong dùng thủ đoạn tương tự lừa đảo nhiều người.
Khi có đầy đủ căn cứ, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phong về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, Phong thừa nhận mình không hề có kiến thức về nuôi chim hay bán chim. Để có tiền tiêu xài, Phong đã lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ.
Cuối năm 2023, qua công tác nắm bắt địa bàn, Công an TP Chí Linh phát hiện nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chuyển tiền nhận quà hoặc lừa đảo cho vay tiền.
Sau khi nắm bắt thông tin, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Chí Linh đã rà soát tài khoản mạng xã hội đối tượng nghi vấn Lê Thị Phượng, sinh năm 1985, ở xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và một số đối tượng khác.
Trong quá trình nắm tình hình, các trinh sát nhận thấy thủ đoạn hoạt động phạm tội, che giấu hành vi phạm tội của các đối tượng này rất tinh vi, xảo quyệt, phương thức lừa đảo thường xuyên thay đổi. Bọn chúng thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Phạm vi hoạt động của nhóm đối tượng này rộng từ Hải Dương, Hà Nội đến Tuyên Quang, Thái Nguyên...
Khi xác định được nhóm đối tượng, Công an TP Chí Linh đã lập chuyên án trinh sát điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Sau khi xác định được địa điểm tập trung của các đối tượng, tổ công tác Công an TP Chí Linh đã khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc của đối tượng Phượng.
Tại nhà đối tượng Phượng, tổ công tác đã phát hiện 16 đối tượng đang sử dụng máy tính và điện thoại để lừa đảo. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã lừa đảo thành công 19 người với tổng số tiền chiếm đoạt được 612 triệu đồng. Tháng 5/2024, vụ việc được chuyển cho Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ theo thẩm quyền…
Trong năm 2024, Công an TP Chí Linh đã xử lý 9 vụ việc vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó khởi tố 4 vụ với 18 bị can phạm tội lừa đảo qua mạng; xử lý hành chính 5 vụ vi phạm quy định của pháp luật về đăng tải thông tin sai sự thật, phạt tiền 32,5 triệu đồng.
Còn nhiều khó khăn
Để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, Công an TP Chí Linh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm 138 của thành phố tổ chức 2 đợt cao điểm tuyên truyền phòng chống tội phạm trên không gian mạng trong toàn thành phố; phối hợp chính quyền các địa phương phát tờ rơi với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu đến từng nhà.
Tuy nhiên theo trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Chí Linh) những vụ việc liên quan đến tội phạm trên không gian mạng rất phức tạp. Các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi, phương thức thường xuyên thay đổi nên dù đã được cảnh báo, nhiều người dân vẫn dễ rơi vào bẫy.
Các đối tượng lừa đảo thường thực hiện theo 2 cách thức: thuyết phục để bị hại tin và làm theo hướng dẫn hoặc đe dọa bằng cách giả danh cán bộ của các cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị thuế, điện lực để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc nộp tiền… Ngoài ra, nhiều đối tượng lập tài khoản mạng xã hội giả mạo vào những hội nhóm về buôn bán, làm ăn, kết bạn để lừa đảo chuyển tiền đặt cọc mua hàng hoặc kết bạn, dụ dỗ nạn nhân gửi những hình ảnh nhạy cảm, sau đó dùng để tống tiền…
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thay đổi kịch bản theo từng ngày, từng giờ nên chỉ cần người dân lơ là, mất cảnh giác là có thể bị các đối tượng này lừa đảo.
Mặt khác tội phạm công nghệ cao có địa bàn hoạt động rất rộng, nhiều đối tượng lừa đảo đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xác minh. Những đối tượng lừa đảo trong nước xác minh được nhưng mất nhiều thời gian. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản, địa chỉ và sim điện thoại “rác”, thậm chí đăng ký dưới tên người khác khiến việc truy xét và xử lý trở nên phức tạp.
Một khó khăn nữa là công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong đấu tranh loại tội phạm này còn nhiều hạn chế, chưa có cơ chế phối hợp cụ thể để kịp thời ngăn chặn những thiệt hại cho người bị hại hoặc truy tìm đối tượng lừa đảo...
THANH HOA