Trông chờ thủy lợi phí, HTX gặp khó

06/06/2019 18:26

Mặc dù Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thủy lợi phí nhưng người dân ở một số địa phương vẫn mặc định hỗ trợ toàn bộ nên các HTX khó thu thêm kinh phí để bù đắp vào khoản thiếu hụt.


Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp khó thu thêm kinh phí để bù đắp vào khoản thiếu hụt

Hỗ trợ giá dịch vụ công ích thủy lợi (thủy lợi phí) là chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của Nhà nước. Mặc dù sau nhiều năm với những thay đổi về điều kiện sản xuất, nhưng mức thủy lợi phí vẫn không được điều chỉnh.

Khó duy trì hoạt động

Hiện nay, thủy lợi phí là nguồn kinh phí chủ lực để HTX dịch vụ nông nghiệp duy trì các hoạt động như bơm nước, sửa chữa máy móc, nạo vét kênh mương… Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thủy lợi phí và thường giải ngân thành 3 đợt trong năm. Nhiều nông dân lại lầm tưởng rằng thủy lợi phí do Nhà nước bao cấp toàn bộ nên không phải đóng góp thêm. Chính lý do này đã khiến nhiều HTX duy trì hoạt động khó khăn.

Ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết: "Mỗi năm, HTX được cấp gần 400 triệu đồng để thực hiện dịch vụ công ích thủy lợi. Với số tiền trên không đủ để bảo đảm cung cấp nước tưới tiêu thuận lợi cho 326 ha đất nông nghiệp của xã. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng máy móc, thuê nhân công điều tiết nước ở từng khu đồng cũng tốn một khoản lớn. Để có kinh phí hoạt động, chúng tôi đã xin ý kiến của HĐND xã sẽ thu thêm của người dân 9.000 đồng/sào/năm".

Ngoài khó thu thêm từ người dân thì việc chậm chi trả thủy lợi phí cũng khiến nhiều HTX lao đao. Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong đang đảm nhận các khâu dịch vụ cho 220 ha đất nông nghiệp tại xã Tân Hồng (Bình Giang). Dù có nguồn đóng góp từ người dân và linh động làm thêm các dịch vụ khác nhưng HTX vẫn gặp khó khăn để trả các khoản chi phí phục vụ sản xuất. Ông Phạm Văn Ấm, Giám đốc HTX cho biết tiền điện thì tháng nào ngành điện cũng thu, còn tiền hỗ trợ một năm cấp 3 lần nên HTX khó xoay xở để trả tiền điện, nhất là những tháng cao điểm, phải bơm tưới tiêu nhiều. Nếu Nhà nước giải ngân theo tháng thay vì hỗ trợ thành 3 đợt trong năm thì sẽ tiện lợi hơn nhiều. Hiện giá điện, giá nhân công ngày một tăng cao trong khi mức thủy lợi phí vẫn áp dụng mức từ nhiều năm nay nên HTX đang phải cân đối thu chi phù hợp để không phải bù lỗ. 

Chưa thể tăng 

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lam Sơn (Thanh Miện) đang phục vụ tưới tiêu cho 410 ha lúa và rau màu của trên 1.500 hộ dân. Đây là vùng sản xuất rau màu quy mô lớn, nhu cầu nước tưới cao nên HTX cần nhiều kinh phí để duy trì hoạt động cho các trạm bơm, chỉ tính riêng tiền điện đã từ 30-40 triệu đồng/tháng. Để bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân, nhiều lần HTX đã phải trích quỹ lương của nhân viên thanh toán tiền điện. Ông Nguyễn Văn Đũi, Giám đốc HTX cho biết: “HTX gặp khó khăn ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất của người dân. Người dân cần đồng hành cùng với chính quyền địa phương, HTX để tháo gỡ vướng mắc. Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ thủy lợi phí cho phù hợp với tình hình thực tế”.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện giá thủy lợi phí đang được thực hiện theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù mới thực thi nhưng giá thủy lợi phí vẫn không thay đổi so với Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Hải Dương đang áp dụng mức giá thủy lợi phí cao nhất do Bộ Tài chính quy định là hơn 1,6 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thủy lợi phí nhưng người dân ở một số địa phương vẫn mặc định hỗ trợ toàn bộ nên các HTX khó thu thêm kinh phí để bù đắp vào khoản thiếu hụt.    

Mức hỗ trợ thủy lợi phí hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì ổn định đến năm 2021, sau đó sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên mức điều chỉnh tới đây có thể tăng thêm hoặc thấp đi nên các HTX cần có định hướng để duy trì hoạt động dịch vụ thủy lợi. Phải công khai, minh bạch các khoản thu, chi để người dân và chính quyền cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Trông chờ thủy lợi phí, HTX gặp khó