Kỳ vọng chương trình mỗi xã một sản phẩm

23/04/2019 18:07

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (MXMSP) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hải Dương.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ ưu tiên phát triển nông sản thế mạnh và các sản phẩm làng nghề. Trong ảnh: Chuối được lựa chọn là nông sản chủ lực của xã Thượng Quận (Kinh Môn)

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM) của các địa phương trong tỉnh.

Sẵn sàng

Kinh Môn là huyện đi đầu trong việc triển khai chương trình MXMSP khi thực hiện song song với nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ lâu, huyện đã có hướng khai thác tối đa thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của từng xã, thị trấn. Mặc dù chưa có hướng dẫn của tỉnh nhưng huyện đã chủ động lựa chọn 14 sản phẩm để nghiên cứu việc hình thành các vùng chuyên canh thế mạnh hoặc làng nghề trọng điểm. “Chủ trương này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân bởi ai cũng mong muốn nâng cao chất lượng sống một cách bền vững từ việc phát huy nội lực. Do đó, nếu chương trình đi vào cuộc sống sẽ tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân”, ông Hạ cho biết.

HTX Tân Minh Đức là ngôi nhà chung cho các hộ trồng rau sạch ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, dù đã gắn kết được các thành viên thực hiện mục tiêu sản xuất nông sản an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường song hiệu quả kinh tế vẫn chưa được như mong đợi. Việc liên kết với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, HTX luôn hy vọng nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX trăn trở: "Người dân Phạm Trấn gắn bó với nghề trồng rau màu nhiều năm. Dù có thể nhanh chóng tiếp cận, làm chủ những phương thức canh tác mới, tiến bộ nhưng do chưa nắm bắt được thị trường nên nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, từ khi biết được tỉnh sẽ thực hiện chương trình MXMSP trên cơ sở nền tảng là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nòng cốt là các HTX, chúng tôi rất phấn khởi. Bởi đây chính là điểm tựa vững chắc giúp các địa phương phát huy lợi thế so sánh, các HTX sẽ không còn lúng túng trong việc tìm hướng phát triển phù hợp. Hiện chúng tôi vẫn chưa có nhiều thông tin nhưng HTX sẵn sàng đăng ký tham gia khi chương trình chính thức được triển khai. Đây sẽ là cơ hội làm thay đổi HTX cả về chất lẫn lượng”.

Thực hiện bài bản

Thực hiện chương trình MXMSP, Hải Dương đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn bền vững. Đây cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Dương. 

Chủ thể của chương trình sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất với nhiệm vụ tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương. Dựa trên nhu cầu, khả năng của đơn vị, chu trình xây dựng và triển khai qua các bước là tuyên truyền, hướng dẫn; đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án sản xuất, kinh doanh; thực hiện phương án; đánh giá, xếp loại sản phẩm; xúc tiến thương mại. 

Chương trình MXMSP sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như bồi dưỡng nguồn nhân lực; liên kết phát triển sản xuất trên cơ sở hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung cho các tổ chức kinh tế, thu hút lao động trẻ có trình độ. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, giải pháp tối ưu là củng cố các tổ chức kinh tế hiện có. Từ nhu cầu của thực tế, hình thành các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ tham gia. Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh với một số HTX, doanh nghiệp có điều kiện và đủ năng lực tổ chức theo tình hình thị trường. Điểm nhấn của chương trình là ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh. 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng MXMSP xuất phát từ nhu cầu sản xuất của từng địa phương. Hải Dương là tỉnh phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, chương trình MXMSP sẽ tạo ra động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Thông qua đó, tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực. Ngoài ra, đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng NTM bằng nguồn lực tại chỗ. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án MXMSP và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Các huyện, thành phố cũng đã có sự chuẩn bị nhất định để sẵn sàng khởi động chương trình, bảo đảm việc thực hiện đề án hiệu quả, thiết thực.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Kỳ vọng chương trình mỗi xã một sản phẩm