Ký ức trâu làng

14/02/2021 18:17

Giống như bao miền quê nông nghiệp trên mọi miền đất nước, làng Dọng quê tôi, nay là thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) trên đà phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vẫn còn tươi rói những dấu ấn về con trâu.


Lứa chúng tôi ra đời ngay sau hòa bình 1954, hưởng trọn thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nông nghiệp là một “mặt trận hàng đầu”, bởi vậy tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm liên quan đến con trâu. Tôi nhớ hồi làm ăn theo hình thức tổ đổi công (năm 1958), bố mẹ tôi và ba gia đình cùng ngõ nuôi chung một con trâu, luân phiên cày ruộng. Đến phiên nhà cụ Nhác, do chú Dục mải chơi cắt được quá ít cỏ, nhìn trâu đói gò lưng kéo cày, cụ Nhác đã khóc. 

Tết năm 1964, làng tôi có chuyện vui lắm. Do năm trước HTX dẫn đầu toàn miền Bắc về trồng lạc, vượt chỉ tiêu thu mua của Nhà nước nên được Chính phủ tặng một con trâu đực sừng cánh ná, nặng gần tấn, ở sừng bên trái có khắc chìm con số46. Bà con gọi nó là con trâu 46. Tết ấy, thịt “trâu 46” có trên mâm cỗ của mọi nhà. Đôi sừng của nó được chế thành hai chiếc tù và khổng lồ để thanh niên thi nhau thổi kêu tu tu trong hội xuân. Câu đối “Cỗ Tết thơm lừng cơm hợp tác/ Hội làng rộn rã tiếng tu trâu” có ở làng tôi từ đấy.

Chúng tôi học lớp 4 vào thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968). Một trưa hè, tôi trông trâu ở cánh đồng Đống Ngô, cách làng một cây số. Trâu vừa ăn cỏ xong, đúng lúc từng tốp máy bay Mỹ nối nhau đến ném bom cầu Phú Lương cách chỗ tôi chừng 3 km đường chim bay. Những “thần sấm”, “con ma” hạ thấp độ cao bay trên đầu tôi. Tiếng rú đinh tai choáng óc của chúng xen giữa muôn ngàn tiếng nổ giòn từ súng phòng không của quân ta đánh trả. Con trâu nằm nhai lại, bọt trắng phau hai mép. Tôi nằm sát lưng trâu như tựa vào vách của căn hầm. Phía ngoài úp tấm nùn rơm. Trâu như hiểu được điều đang xảy ra, nhưng nó vẫn nhai lại, bình thản lạ thường. Khi không còn tiếng máy bay nữa, tôi đứng dậy rồi con trâu mới đứng dậy theo. Đúng lúc đó, mẹ tôi tất tả đến nơi, mang theo một cái vỏ thùng lương khô bộ đội đã cắt miệng, đựng nước cháo gạo chiêm mới, thơm phức. Bà đưa cái ca men trắng có dòng chữ đỏ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mới mua bên HTX mua bán, bảo tôi múc cháo uống cho thỏa thích đi. Xong rồi, bà đặt thùng cháo sát mõm trâu. Con trâu hút một lúc cạn sạch. Nó nghển cổ nhìn xa xa, hàng ria mép lấm tấm những giọt cháo. Mẹ tôi day day vai nó. Nó đứng im ve vẩy đuôi, chờ vào buổi cày chiều.   

Chuyện người dạy trâu thì ở đâu cũng có. Và trâu “dạy” người thì chắc cũng không chỉ có ở làng tôi. Nghé “đến tuổi lao động” được người gọi là trâu và dạy kéo cày (còn gọi là vực trâu). Trên mảnh ruộng “tứ diện tòng tứ”, chừng 15 m x 15 m, lão nông điều chỉnh cày ở đằng sau, dạy trâu như dỗ trẻ: “Chân sau bước quá chân trước. Chân trước bước quá tai. Đến bờ quay lại. Nặng kéo, nhẹ kéo. Việc mày chẳng phải việc ai. Ăn thì phải làm. Ăn chơi ai nuôi…”.

Anh Tứ 16 tuổi, lần đầu cầm cày, định vị sá cày sai. Trâu thì cứ đi theo lối giữ khoảng cách giữa các sá cày như đã học. Anh Tứ tức quá, ép trâu phải đi theo ý mình. Trâu không chịu, liền “đánh tháo”, quay lại đứng trân trân nhìn vào mặt anh, mắt “ốc nhồi” đỏ sọng. Ông lão cày ở ruộng bên thấy thế, đến quát anh Tứ một chặp rồi chỉ rõ cái sai. Anh Tứ nhận ra, sửa ngay. Cuối buổi cày, anh ra vẻ giận dỗi nhìn vào mắt trâu, dùng bàn tay ấm áp xoa xoa vai trâu rồi tặng nó một bó cỏ ngon. Trâu nhìn anh như cũng tỏ vẻ ái ngại rồi mới cúi xuống nhỏn nhẻn ăn cỏ.

Tôi tốt nghiệp lớp 10, đang chờ đi bộ đội thì được ông Biền (cán bộ thông tin văn hóa xã) giao việc viết khẩu hiệu, vẽ tranh trên các bảng tin, tường gạch để tuyên truyền, cổ động sản xuất và chiến đấu chống ngoại xâm. Không có tiền mua bút lông, tôi xẻo lông ở đuôi trâu để làm ngòi bút, bị mẹ tôi mắng cho một trận nên thân và “cấm chỉ” cắt lông trâu khi trâu còn sống. Vào hội mùa hằng năm, HTX mổ con trâu không còn sức cày bừa được nữa, chia thịt cho xã viên. Thế là tôi có lông đuôi trâu để làm bút, lại xin một miếng da trâu mang phơi thật khô, cất trên gác bếp. Mỗi đợt viết khẩu hiệu ngoài trời, tôi cắt một ít da trâu khô đem ninh kỹ lấy nước hòa bột màu, giúp cho khẩu hiệu, tranh vẽ không bị nước mưa xóa và hạn chế bay màu.  

Trước Tết Quý Sửu 1973, bố tôi đi chợ tỉnh mua được bức tranh treo tường, có chú bé ngồi trên lưng trâu cầm cành tre treo tràng pháo chuột đang nổ tung. Bên dưới là câu thơ: "Năm trâu đốt pháo mừng xuân/ Bắc Nam thắng lợi, quân dân nức lòng" (tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình). Hôm rằm tháng giêng, bố bảo tôi vẽ tranh ấy lên bức vách đầu hồi phía trong nhà, giọng ông ân cần: “Con đã có giấy gọi nhập ngũ. Đầu tháng sau lên đường. Thầy muốn con vẽ bức tranh ấy làm kỷ niệm”…

Mãi đến khi giải phóng miền Nam, tôi trở về, bức tranh trâu tôi vẽ vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ tôi kể rằng Tết năm nào bố tôi cũng quét vôi lại tường vách nhà, nhưng giữ nguyên bức tranh trâu. Ông bảo nếu tôi không trở về thì ông coi bức tranh ấy là tôi. Tôi nghe mà xúc động, ứa nước mắt.

…Thời đại @ đến xồng xộc! Cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dần dà loại trừ trâu ra khỏi sự vụ sản xuất nông nghiệp. Thịt trâu trở thành đặc sản ở các nhà hàng. Bài học “Ruốc nấu lâu, thịt trâu nấu chóng” cha ông để lại từ cái hồi “Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà” - chủ yếu là thịt trâu xào rau cần, bì trâu xào đu đủ… giờ đây được thay bằng hàng chục món. Ngồi chờ món trâu nóng hổi thơm ngào ngạt trên bếp, nghĩ về ký ức trâu, không ít lần tôi thốt ra miệng: “Trâu ơi!”.         

CÁT DŨNG 

(0) Bình luận
Ký ức trâu làng