Đất và người xứ Đông

Nơi trái tim rộn ràng

KHÚC HÀ LINH 15/09/2023 10:00

Xem tấm bản đồ hành chính tỉnh Hải Dương, dễ dàng nhận ra hình dạng của thành phố cùng tên, nằm giữa trung tâm, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh trái tim.

00:00

W_064509f5fc2ef28ea918b8f0868f3c6e.jpg
Mảnh đất xứ Đông xưa (ảnh tư liệu)

Giả sử ví von rằng, tỉnh Hải Dương là một “con người” khổng lồ, thì thành phố này như một trái tim lớn. Trái tim không mỏi đã rung lên nhịp đập rộn ràng hơn hai trăm năm, tạo nên sức sống kỳ diệu!

Trái tim rộn ràng không mỏi

Tôi phải ví von bằng một hình ảnh như thế để tạo nguồn cảm hứng khi viết về một miền đất thiêng liêng, văn hiến anh hùng. Phải chăng linh khí núi sông hội tụ, tinh hoa trời đất chắt dồn, hàng triệu triệu năm mới chung đúc nên mảnh đất, là một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng?

Tìm giữa dòng chảy lịch sử, tên gọi Hải Dương xuất hiện từ năm Kỷ Sửu 1469 (thời Lê). Có người giải thích đó là hàm ý “Ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Nhưng phải 335 năm sau mới có danh xưng “Thành Đông”. Vào năm Giáp Tý - 1804 (Gia Long thứ 3), nhà Nguyễn có một cuộc phân chia lại địa giới hành chính của cả nước. Lỵ sở Hải Dương bấy giờ còn ở Mao Điền (Cẩm Giàng) được rời về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, là địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao, thuộc tổng Hàn Giang.

Quan Trấn thủ Trần Công Hiến đã cho khởi công xây dựng tòa thành bằng đất, làm trụ sở bộ máy hành chính và nơi đồn trú quân sự, án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long. Từ đó mới có biệt danh “Thành Đông”.

Giới nghiên cứu lịch sử sau này cho rằng, năm Giáp Tý - 1804 là thời điểm khởi lập của TP Hải Dương. Như thế, chiếc kim đồng hồ đang nhích dần đến năm 2024 (Giáp Thìn), thành phố sẽ tròn 220 tuổi. Thành phố đã trải qua bao thăng trầm, binh đao lửa khói, oằn mình trong lũ lụt bão giông và nhiều lần đổi thay tên gọi.

Dẫu thế, mảnh đất thiêng liêng vẫn thủy chung, nhân nghĩa... Bao giờ cũng có vị thế là thủ phủ, trung tâm, là trái tim của một đơn vị hành chính trọng yếu, nằm phía đông kinh thành Thăng Long. Từ xưa được mệnh danh với mỹ tự: “Phên dậu phía đông kinh thành”, hay “Thành phố bên sông” hoặc “Xứ Đông văn hiến”…

Từ mảnh đất “địa linh nhân kiệt” ấy, đã bao đời sinh thành, hội tụ, dung dưỡng nhiều danh nhân, anh hùng kiệt xuất. Sử sách tôn vinh những người từng phò vua giết giặc bảo vệ xã tắc yên bình, khi mất được lập đền thờ đời đời hương khói. Đó là danh tướng Đinh Văn Tả (đời Lê Trung Hưng) vị tướng tài có công lao đánh giặc, được triều đình phong làm Phúc thần khi tại thế, nay còn đền thờ ở phố An Ninh. Đình Ngọc Uyên thờ nhị vị đại vương Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang, từng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thế kỷ X. Cụm đình, đền, chùa Sượt (phường Thanh Bình) thờ Đức thánh Vũ Hựu giúp vua Lê Chiêu Tông dẹp giặc Ai Lao...

Một thành phố có nhiều chùa. Chùa xây giữa làng. Chùa tọa lạc trong phố cổ. Những ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc đẹp, với đồ thờ tự linh thiêng như các chùa: Đông Thuần, Phong Hanh, Minh Thông, Thiên Phúc...

Ở đây, những tên đất tên làng đều thấm đẫm chất anh hùng ca, trong chiến tranh giữ nước. Cầu Phú Lương, bến đò Hàn, sông Thái Bình, đường 5… đã nổi tiếng trong thời chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ.

Đất này còn là vùng trầm tích văn hóa với hơn 330 di tích. Cùng với đó là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú...

Nơi đất lành…

Thành phố được hai dòng sông chảy giữa lòng, là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Sông Thái Bình phía đông bắc, quanh năm dạt dào sóng gió. Sông Kẻ Sặt phía tây nam, ngày đêm vỗ về thấm nước.

Sông không chỉ dồi dào nguồn nước ngọt, nuôi dưỡng giao thông đường thủy, mà còn tạo cho thành phố một nét duyên. Cầu Phú Lương bắc qua sông Thái Bình là một nốt nhạc, dấu lặng đơn trong bản nhạc hành trình Hà Nội - Hải Phòng, được tấu lên hàng trăm năm nay, mỗi khi nhắc về TP Hải Dương. Cũng nhờ sông Sặt mà một thời đã xuất hiện chiếc “cầu cất”, sáng chiều khép mở, cho thuyền bè qua lại tấp nập hai bờ...

W_hd-ngay-ay.jpg
Thành phố Hải Dương ngày nay không ngừng phát triển

Là thành phố, nhưng có đồng điền bờ xôi ruộng mật. Từ xưa, những con sông đã gạn lọc phù sa, đắp bồi làm nên làng mạc, thành vùng dân cư trù phú. Những cánh đồng Nam Đồng, Ái Quốc, những vườn cây ao cá An Thượng, Gia Xuyên; những trang trại ven đê Tiền Tiến, Ngọc Sơn... quanh năm hoa tươi quả ngọt, nguồn dinh dưỡng cho thành phố bao đời.

Nằm trọn trong vòng ôm của 6 huyện đồng bằng (Gia Lộc, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách và Kim Thành), quanh năm mùa nào thức ấy nên thành phố được “thơm lây”.

“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”, Tứ Kỳ mùa vớt rươi, thì các quán ăn thành phố cũng ngạt ngào mùi rươi rán, quyện trong vị hương thơm vỏ quýt. Tháng 5, rộn rã mùa vải chín, gần xa tấp nập tìm về, thưởng thức quả vải thiều Thanh Hà thơm ngon nức tiếng. Hay khi vào mùa, những quả dưa hấu mọng đỏ của Gia Lộc, bày bán khắp phố chợ nội thành…

Còn đây, những sản phẩm gốm Chu Đậu (Nam Sách), màu men sáng đẹp tinh hoa hồn Việt. Và kia không xa, ánh sáng đang tỏa ra từ Văn miếu Mao Điền, nơi ngọn nguồn nguyên khí quốc gia, khơi dậy khát vọng của con người trên đường vươn lên trí tuệ.

Ngần ấy thứ thôi đều là máu thịt, là sự sống sinh sôi từ nhịp đập trái tim - TP Hải Dương!

KHÚC HÀ LINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi trái tim rộn ràng