Đó là câu trấn an “kinh điển” người ta thường được nghe từ những người nuôi chó mà không xích khi có khách đến chơi, thể hiện tâm lý chủ quan, khinh suất khá phổ biến của những người nuôi chó.
Vì đó là con vật cưng trong nhà, được chủ chăm sóc, nuôi nấng nên họ cảm thấy nó an toàn, không nhìn thấy những nguy cơ luôn luôn tiềm ẩn. Cũng chính bởi tâm lý này nên gần đây, một người đàn ông ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) đã chết do bệnh dại sau khi bị chó của chính gia đình mình cắn mà không đi tiêm phòng.
Sau một thời gian khá dài thuyên giảm, những năm gần đây, số người tử vong vì bệnh dại ở nước ta lại có chiều hướng tăng. 9 tháng năm nay, cả nước có 57 người tử vong vì bệnh dại, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Tại Hải Dương, sau 25 năm không có người tử vong vì bệnh dại, từ năm 2016 đến nay lại xuất hiện các trường hợp tử vong do bị chó dại cắn mà không đi tiêm phòng.
Tâm lý chủ quan xuất hiện sau một thời gian dài không nhìn thấy sự nguy hiểm rình rập một cách trực tiếp là khá phổ biến trong đời sống, nhất là trong lĩnh vực liên quan tới y tế, sức khỏe. Sau nhiều năm khống chế được nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, trong những năm gần đây, bệnh sởi rồi bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương, gây tử vong. Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu để tạo thành miễn dịch cộng đồng. Không chỉ ở vùng sâu vùng xa, nhiều người ở các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện thuận lợi cũng không cho con đi tiêm chủng. Dịch bệnh vắng bóng làm cho nhiều người chủ quan, thậm chí nghi hoặc tác dụng của các loại vaccine trong phòng chống dịch bệnh. Công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, giúp cho số người mắc và tử vong đều ở mức rất thấp so với thế giới. Chính vì vậy, tâm lý chủ quan, cho rằng dịch bệnh này không nguy hiểm xuất hiện ở không ít người mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và chưa một loại vaccine nào chính thức được lưu hành rộng rãi.
Sau khi bị chó dại cắn, nếu tiêm vaccine phòng chống kịp thời và đủ liều, người bệnh sẽ được chữa khỏi. Bệnh sởi, bạch hầu cũng có thể khống chế được trên diện rộng để không xuất hiện trở lại nếu người dân đi tiêm chủng mở rộng đạt yêu cầu. Tuy dịch Covid-19 chưa có vaccine nhưng vẫn có thể phòng tránh bằng các biện pháp thích hợp. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi các loại bệnh này là ý thức của mỗi người dân luôn tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.
Để xóa bỏ tâm lý chủ quan, lơ là, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Kể cả khi dịch bệnh đã được khống chế, đẩy lùi thì vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho người dân. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các chế tài xử lý những hành vi gây nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng như không tiêm phòng dại cho chó, không tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, không tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19…
Để chiến thắng trong cuộc chiến với các loại dịch bệnh, con người luôn cần sự nỗ lực, kiên trì cùng ý thức trách nhiệm phòng tránh cho bản thân cũng là phòng tránh cho cộng đồng nói chung.
LAM ANH