Thức ăn thừa có thể là lựa chọn cho một bữa trưa văn phòng hoặc một bữa tối đơn giản, song một số món hâm nóng có thể khiến bạn ngộ độc hoặc các rủi ro sức khỏe.
Hải sản
Hải sản chứa hàm lượng protein cao và dễ bị hư hỏng, vi khuẩn dễ dàng sinh sôi sau khi đun nóng, dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc. Ngoài ra, hàm lượng chất béo và cholesterol trong hải sản cao, đun nóng thứ cấp có thể gây ra quá trình oxy hóa chất béo, sản sinh ra các chất có hại và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA), hải sản tươi hoặc nấu chín để ở nhiệt độ phòng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh so với loại đông lạnh ngay sau khi đánh bắt. Hâm nóng không tiêu diệt được những vi khuẩn này.
FDA cũng khuyến cáo nên bỏ hải sản nếu để ngoài tủ lạnh hơn hai giờ ở thời tiết mát mẻ hoặc một giờ ở thời tiết ấm áp. Vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng trên hải sản trong ngưỡng từ 4,5 đến 60 độ C.
Sữa
Dù là thanh trùng hay tiệt trùng, chỉ nên uống hết trong một lần. Việc hâm nóng sữa có thể làm tăng nguy cơ hư hỏng và ảnh hưởng đến chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Sữa rất giàu protein và lactose. Việc đun nóng thứ cấp có thể dễ dàng gây ra sự phân hủy protein và lactose, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, vi sinh vật trong sữa cũng có thể sinh sôi trong quá trình đun nóng thứ cấp, làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Trứng
Trứng đã nấu chín rất dễ sinh sản vi khuẩn. Trứng luộc còn nguyên vỏ thường chỉ bảo quản được khoảng một ngày ở nhiệt độ phòng mát mẻ. Nhiệt độ càng cao thì thời hạn sử dụng của trứng càng ngắn hơn.
Ngoài ra, protein trong trứng rất dễ bị phân hủy và dễ gây ngộ độc thực phẩm sau khi đun nóng lần thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe. Vì thế, nếu không thể ăn hết trong thời gian ngắn thì nên bảo quản trong tủ lạnh thay vì hâm nóng, để duy trì độ tươi ngon và an toàn cho thực phẩm.
Món rau xào
Làm nóng rau nhiều lần có thể dẫn đến sự hình thành nitrit, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe. Các vitamin và chất xơ trong rau dễ bị nhiệt phá hủy, đun nóng lần hai sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, nên kiểm soát lượng nguyên liệu sử dụng trong quá trình nấu để tránh thừa thãi.
Nấm
Hâm lại nấm rất dễ gây ngộ độc thực phẩm, vì nó chứa nhiều choline, có thể tạo ra các chất có hại sau khi đun nóng lần thứ hai. Trong nấm cũng chứa nhiều protein có thể bị phân hủy bởi enzyme và vi khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách, ví dụ như để ở nhiệt độ phòng quá lâu. Hâm nóng và tiêu thụ nấm đã bị hư hỏng theo cách này có thể khiến bạn bị đau bụng.
Nếu bạn thực sự phải hâm nóng nấm, Hội đồng Thông tin thực phẩm Châu Âu khuyến nghị nên ở nhiệt độ ít nhất là 70 độ C.
Việc hâm nóng thức ăn là một vấn đề cần phải thận trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vì thế cần thiết phải hiểu đặc điểm và rủi ro của các loại thực phẩm khác nhau, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khoa học để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
TB (theo VnExpress)