Trong nước

Những rủi ro tiềm ẩn khi chạy theo trào lưu marathon

HQ (theo VnExpress) 12/04/2024 16:34

Số lượng vận động viên gặp sự cố khi tham gia các giải marathon có xu hướng tăng gần đây, đòi hỏi cách nhìn nhận đúng về bộ môn này.

Anh Trung Lê trên đường chạy Hanoi Marathon Techcombank 2022. Ảnh: NVCC
Anh Trung Lê trên đường chạy Hanoi Marathon Techcombank 2022

Theo thống kê của Viện Y học chủng tộc quốc tế (IIRM), chỉ có khoảng 1,1 triệu người có thể hoàn thành cự ly full marathon mỗi năm (tương đương 1% dân số thế giới). Con số này cho thấy để chinh phục quãng đường 42 km đòi hỏi sự tập luyện và tích lũy trong thời gian dài, ngay cả với người dân ở những quốc gia có truyền thống tập chạy bộ từ khi còn nhỏ.

Tại Việt Nam, chạy bộ mới phát triển gần đây. Vào năm 2023, có trên 29.000 lượt full marathon được hoàn thành ở các giải chạy phong trào tại Việt Nam. Con số này tăng lên nhanh chóng trong năm 2024, khi các giải chạy nở rộ ở nhiều địa phương. Riêng tháng 4, có khoảng 16 giải chạy lớn nhỏ, cả road lẫn trail, được tổ chức trên cả ba miền.

Từng học, làm việc nhiều năm ở châu Âu, Trung Lê - thành viên Câu lạc bọ Chạy đường dài (LDR) Hà Nội nhận thấy runner ở trong nước khác biệt lớn về xuất phát điểm. Theo đó, ở Việt Nam, hầu hết người chạy phong trào bắt đầu chạy ở độ tuổi trung bình cao, từ 25 đến 35, còn tại châu Âu, chạy bộ là môn thể thao bắt buộc và được đào tạo từ tiểu học, trung học. Ở những nước này, ngay cả khi chọn các môn thể thao nhẹ nhàng để chơi trong trường học như bóng bàn, cờ vua, billiards..., thanh thiếu niên vẫn được huấn luyện viên khuyến khích hoặc bắt buộc chạy bộ để nâng cao thể lực và kích hoạt các nhóm cơ mà môn chính của họ ít dùng tới. Sau khi tập chuyên môn, học sinh có thể dành 30 đến 45 phút cuối giờ để tập thể lực, chủ yếu là chạy bộ, nhảy dây hay bật cóc..., rồi thả lỏng trong 20 đến 30 phút.

Trên Facebook cá nhân, nhà vô địch triathlon quốc gia Lâm Quang Nhật cũng gióng hồi chuông cảnh tỉnh với những trường hợp chưa tập luyện đủ nhưng đã thi đấu các bộ môn sức bền. "Mỗi năm Việt Nam có rất nhiều giải thể thao phong trào, thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham dự. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, kể cả với những người tập luyện thường xuyên. Những môn thể thao sức bền nói chung đặt cơ thể dưới một áp lực rất lớn, phải hoạt động hơn mức bình thường. Vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì đây là kế sinh nhai, nhưng thể thao đường dài không dành cho những người tập luyện không đủ", anh viết.

Chạy bộ là môn có tính cộng đồng cao, nhưng điều đó kéo theo hệ quả là hiện tượng chạy theo thành tích, hoặc nghe bạn bè rủ rê đăng ký các cự ly dài trong khi bản thân tích lũy chưa đủ. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất khi tập marathon là lắng nghe cơ thể và hồi phục đúng cách, nhưng vì nôn nóng, một số người bỏ qua điều này.

"Marathon là môn siêu bền, đòi hỏi tích lũy trong thời gian dài. Chỉ khi đạt một mức thay đổi nhất định về tim mạch, cơ bắp, xương khớp... mới có thể thi đấu môn này thường xuyên", anh Hưng Võ, runner kiêm huấn luyện viên Câu lạc bộ Chạy Garmin nhận định. Theo anh, nhiều người mới nhập môn chạy bộ đang bị cuốn theo những danh xưng, tên gọi, sự hào nhoáng của huy chương, giấy chứng nhận.... dẫn đến thiếu tìm hiểu và xây dựng nền tảng, điều tiết cơ thể trong lúc tập luyện, thi đấu. "Chúng ta có thể gắng sức để đạt một cột mốc về số kilomet, tốc độ trong vài tháng, nhưng không có nghĩa là cơ thể đã đồng bộ hóa thể chất để đáp ứng áp lực vận động trong chạy dài. Đồng nghĩa, cơ thể có nguy cơ quá tải, mất kiểm soát, về lâu dài gặp chấn thương hoặc bệnh lý", anh nói thêm.

HLV Hưng Võ tham gia giải triathlon Vietnam FesTRIval ở Bình Thuận hôm 24/3. Ảnh: FesTRIval
Huấn luyện viên Hưng Võ tham gia giải triathlon Vietnam FesTRIval ở Bình Thuận ngày 24/3

Huyền thoại điền kinh Việt Nam Bùi Lương cũng cho rằng nhiều người chạy bộ đang ham thành tích, dẫn tới nâng cự ly một cách nóng vội. Ông nói: "Nhiều người chưa đạt yêu cầu ở cự ly 5km đã chạy 10km. Thậm chí, tập luyện nửa năm tới một năm đã chạy half marathon thay full marathon. Hệ quả trước mắt là mọi người rất hay chấn thương hay thành tích thi đấu cũng chưa được tốt".

Một số triệu chứng có thể dễ dàng nhận thấy khi tập luyện marathon sai cách như đau chân, mỏi cơ... Tuy nhiên, những bất ổn về tim mạch hay xương, khớp khó đoán biết hơn. Những người mới tập có thể bị cuốn theo khối lượng bài, trong khi nhịp tim chưa thể đạt mức độ phục hồi nhanh như người tập lâu năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những trường hợp đột tử khi chạy đường dài.

Bên cạnh đó, nhiều người chạy chưa trang bị đủ kiến thức về chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, dẫn tới bị cạn năng lượng trong lúc tập luyện và thi đấu. Trường hợp này có thể dẫn tới những ca tụt đường, tụt huyết áp hoặc suy đa tạng khi các cơ quan làm nhiệm vụ lọc chất thải như gan hay thận bị quá tải. Ý chí là phần quan trọng khi tập luyện marathon. Nhưng đôi khi, sức mạnh tinh thần và trạng thái hưng phần khi chơi thể thao có thể là cái bẫy nếu cơ thể chưa sẵn sàng để theo kịp.

"Vào năm 2013, khi tham gia một hội thao chạy 10 km ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, tôi từng chứng kiến một ca chấn thương hy hữu khi chạy bộ. Người bị nạn chơi từng chơi thể thao, nhưng là môn cầu lông, không phải chạy bộ. Lúc ấy khoảng 10 giờ 30, nền nhiệt cao. Chạy được một nửa quãng đường, người này bị quá sức, tụt đường huyết và té xỉu. Khi ấy, anh ta ngã tự do xuống đường, đầu va chạm với mặt đường dẫn tới bị chấn thương vùng đầu, phải đưa đi cấp cứu. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp khác bị sốc nhiệt trên đường chạy. Họ trong trạng thái mê sảng, co giật và la hét mất kiểm soát. Đó là những chấn thương có thể để lại di chứng, cả về thể chất lẫn tinh thần", anh Hưng nói.

Marathon không chỉ là thể thao, mà còn gắn liền với lối sống. Nhiều người tập marathon quên mất yếu tố quan trọng là phải cân bằng và điều chỉnh thói quen hàng ngày. Ví dụ, có người bận làm việc tới 1 giờ hay 2 giờ sáng, hôm sau, họ vẫn tập chạy. Khi ấy, lượng endorphin sản sinh ra trong lúc chơi thể thao sẽ khiến họ lờ đi những cơn mệt. Tập môn gì cũng để khỏe lên, nhưng nếu không điều chỉnh được lịch tập với lịch làm việc, cơ thể có thể bị kiệt quệ mà chính bạn không biết.

Hai runner mừng khi về đích trên đường chạy VnExpress Marathon Nha Trang 2023. Ảnh: VnExpress Marathon
Hai runner mừng khi về đích trên đường chạy VnExpress Marathon Nha Trang 2023

Theo anh Trung Lê, để tập luyện marathon cường độ cao, runner cần lên kế hoạch tập luyện và duy trì trong vòng từ 6 tới 8 tháng. Trong số đó, 3 tháng trước giải là giai đoạn quan trọng nhất. Đó là thời gian đòi hỏi sự tập trung từ runner để hoàn thành những bài tập nặng, cả về khối lượng lẫn tốc độ.

"Các đội tuyển thường yêu cầu vận động viên ăn, ở tập trung tại nơi huấn luyện để tiện cho việc tập luyện và bổ sung dinh dưỡng. Quan trọng hơn, họ có thể kiểm soát các thói quen xấu và giấc ngủ - yếu tố rất quan trọng của vận động viên. Tương tự, vận động viên phong trào cũng phải có ý thức kỷ luật, thậm chí còn cao hơn, vì không ai kiểm soát bạn cả. Ngoài ra, bạn cũng phải duy trì sự tập trung trong ngày thi đấu, vì đó là một cách góp phần giúp bạn tránh sự cố", anh Trung nói.

HQ (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những rủi ro tiềm ẩn khi chạy theo trào lưu marathon