Tìm động lực cho văn hóa đọc

21/04/2023 16:00

Để phát triển văn hóa đọc cần sự nỗ lực của cả cộng đồng để đọc sách trở thành nhu cầu tự thân, thói quen của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày.


Trong mỗi lớp học ở Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) có góc thư viện nhỏ để tạo thói quen đọc sách cho học sinh

Nhận thức những thuận lợi và thách thức trong phát triển văn hóa đọc hiện nay, Hải Dương luôn nỗ lực tìm giải pháp để nhân lên tình yêu sách trong cộng đồng.

Thay đổi cách đọc

Người xưa đề cao vai trò của sách khi cho rằng: “Thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc) hay “Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém/Duy chỉ có đọc sách là cao quý). Còn nhà bác học Lê Quý Đôn từng có câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho”... Ông Vũ Quốc Ái từng quản lý tủ sách dòng họ Vũ, nay lại quản lý Thư viện của thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) dẫn ra những ví dụ như vậy để khẳng định ý nghĩa của văn hóa đọc trong đời sống người Việt. “Xã hội thay đổi, ti vi, điện thoại, mạng xã hội đã khiến nhiều người không còn say sưa đi tìm ngọc ở trong sách nữa", nén tiếng thở dài, ông Ái bày tỏ lo ngại khi số người đến đọc và mượn sách ở thư viện không nhiều như trước.


Ông Vũ Quốc Ái thường xuyên sưu tầm sách có nội dung phù hợp với nhu cầu của người dân

Đây là thực trạng chung và sự thay đổi của văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố số liệu đánh giá hiện trạng văn hóa đọc ở Việt Nam thì chỉ có khoảng 30% số người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng đọc sách và 26% không đọc sách. Trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm nhưng 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Trong khi đó tại Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật Bản là 20 cuốn. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam đang thấp hơn những nước phát triển nhất ở châu Á rất nhiều.

Theo anh Đỗ Văn Việt, giáo viên Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc), điều này cũng dễ hiểu bởi giới trẻ hiện nay đang bị thu hút bởi mạng xã hội. Nhiều loại hình giải trí hấp dẫn hơn đọc sách. Tuy nhiên, không chỉ đọc sách giấy mới là văn hóa đọc mà hiện hình thức đọc sách đã có nhiều thay đổi. Ngoài sách giấy, người dân có thể đọc sách trên điện thoại, ebook. “Quan trọng là người dân đọc và chịu khó đọc. Đọc có chọn lọc để cập nhật, nâng cao kiến thức cho bản thân”, anh Việt nêu quan điểm. 

Những thay đổi trong cách tiếp cận ngày nay khiến nhiều người lo lắng sách giấy truyền thống sẽ “chết yểu” nhưng theo nhìn nhận của bà Vũ Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh thì sách điện tử hay sách online ra đời không có nghĩa sách ở thư viện truyền thống bị bỏ quên mà đây cũng chính là cách để sách dễ dàng đến gần hơn với bạn đọc. Gần đây, Thư viện Hải Dương không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ số vào quản lý dữ liệu sách và phục vụ nhu cầu tra cứu sách của bạn đọc… Thư viện đã nâng cấp và sử dụng phần mềm Mylib 8.0 để quản lý hàng trăm nghìn đầu sách trên hệ thống. Đơn vị thường xuyên đăng tải hình ảnh sách, viết giới thiệu sách trên fanpage và trang tin của thư viện. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương mở những chuyên mục giới thiệu sách. Sự thay đổi này giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận sách và lan tỏa văn hóa đọc tới nhiều người hơn.

Nỗ lực của cộng đồng

Để văn hóa đọc lan tỏa và phát triển cần sự nỗ lực của cả cộng đồng. Thay vì để tủ sách trong khuôn viên hạ đường của miếu làng, toàn bộ sách của dòng họ Vũ ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) đã được đưa đến thư viện chung của làng, cạnh nhà văn hóa thôn. Ông Vũ Quốc Ái tiếp tục tận tụy sưu tầm và vận động những người con xa quê tặng sách để thư viện thêm phong phú. 

Tại Hải Dương, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách hay để lan tỏa tình yêu sách tới bạn đọc. Tiêu biểu như mô hình cà phê sách hay trong nhà hàng có một tủ sách nhỏ để phục vụ bạn đọc trong thời gian chờ làm món ăn… Những mô hình thư viện xanh, thân thiện tại các trường học ngày càng được nhân rộng. Đặc biệt, tại nhiều doanh nghiệp dù còn khó khăn nhưng cũng đã quan tâm xây dựng văn hóa đọc trong công nhân, người lao động qua xây dựng thư viện trong khu dân cư, nơi có nhiều công nhân ở trọ; phát triển mô hình góc đọc thân thiện trong các nhà máy, xí nghiệp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức nhiều chương trình như Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, phối hợp tổ chức ngày hội đọc sách tại nhiều địa phương, luân chuyển và tặng sách cho các thư viện thôn, khu dân cư…


Nhiều người dành thời gian tìm đến những điểm bán sách cũ để mua đọc

Sự thay đổi của các nhà xuất bản hiện nay cũng giúp cho sách đến gần hơn với bạn đọc. “Tôi thấy nhiều cuốn sách hiện nay được in bằng giấy mỏng để bạn đọc cầm đỡ nặng tay, bo tròn góc sách thiếu nhi để trẻ không bị xây xước. Những chi tiết nhỏ như cỡ chữ, giãn dòng, cách đánh số trang… cũng được đầu tư chỉn chu, sáng tạo. Nhiều cuốn sách không chỉ in ấn đẹp mà còn tạo hiệu ứng 3D, âm thanh, hình ảnh sống động... Những thay đổi thiết thực này thể hiện sự trân trọng mang lại cảm xúc cho người đọc”, chị Vũ Thị Thảo ở phố Hàm Nghi (TP Hải Dương) nhận xét.

Sau 9 năm tổ chức, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành sự kiện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa trong cộng đồng. Song để văn hóa đọc duy trì và phát triển cần làm tốt hơn nữa công tác khuyến đọc, để đọc sách trở thành thói quen không thể thiếu, một nhu cầu tự thân của mỗi người.  
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ năm 2021, ngày 21.4 là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam theo quyết định tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Việc đổi tên gọi một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

BẢO ANH

>>>Bàn giải pháp phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học
>>>[Audio] Khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hải Dương năm 2023
>>>Lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường

(0) Bình luận
Tìm động lực cho văn hóa đọc