“Gieo mầm” văn hóa đọc

23/04/2023 05:46

Những năm qua, hoạt động giao lưu với tác giả và tặng sách đã được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh quan tâm tổ chức, góp phần “gieo mầm” văn hóa đọc trong các thế hệ học sinh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương)

Giao lưu với tác giả

“Diễn giả đã truyền tải cho chúng em năng lượng tích cực và niềm say mê với những cuốn sách”. Đây là lời chia sẻ của một học sinh ở huyện Thanh Miện sau khi được giao lưu với tác giả Nguyễn Quốc Vương vào cuối tháng 3 vừa qua.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương từng có 8 năm du học và nghiên cứu ở Nhật Bản. Tại buổi giao lưu với 160 học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Thanh Miện), anh Vương đã chia sẻ về hành trình học tập ở xứ sở mặt trời mọc. Khi mới sang du học, tiếng Nhật chưa tốt, anh phải cải thiện ngoại ngữ bằng cách đọc thật nhiều sách và tích cực trò chuyện với người bản địa. Chính những quyển sách đã trở thành cầu nối đưa anh đến gần hơn với đất nước và con người nơi đây cũng như giúp cho việc học của anh thuận lợi hơn.

Giao lưu với học sinh, anh đặt nhiều câu hỏi như các em dành bao nhiêu thời gian trong ngày để đọc sách, đọc sách khi tâm trạng thế nào, có khi nào đọc sách nhập tâm đến mức mơ thấy mình là nhân vật trong sách không?… Anh cũng chia sẻ với học sinh về vai trò của sách và đọc sách, đọc sách trong thời đại kỹ thuật số, các phương pháp đọc sách cơ bản, xây dựng môi trường khuyến đọc.

Tham gia buổi giao lưu, nhiều học sinh rất háo hức. Em Vũ Ngọc Khánh Chi, lớp 6A3, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Em được diễn giả tặng 2 quyển sách là “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản” và “Năng lực truyền đạt”. Được giao lưu với tác giả, em thấy rất vui, càng có thêm động lực đọc sách mỗi ngày”.

Sau khi giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, em Phạm Kim Hiền, lớp 4D, Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) hiểu hơn tác dụng của đọc sách, mang đến cho con người nhiều trải nghiệm thú vị. “Bác Trần Đăng Khoa chia sẻ với chúng em để có được ngày hôm nay bác đã đọc rất nhiều sách. Những cuốn sách mang đến cho bác không chỉ nhiều trải nghiệm thú vị mà còn giúp bản thân hiểu rõ chính mình, tạo động lực tiến lên phía trước. Từ những chia sẻ của bác, chúng em càng yêu thích đọc sách hơn”.

Tại buổi giao lưu với trên 1.300 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng sáng 12.4 vừa qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách, vai trò của sách trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ; ý nghĩa của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, lợi ích của việc nghiên cứu, đọc sách.

Cô Nguyễn Thị Thư, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cho biết “Nhà thơ Trần Đăng Khoa rất quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam qua những bài thơ dí dỏm. Nhà trường quyết định tổ chức hoạt động giao lưu với tác giả để khơi dậy, truyền cảm hứng yêu thích đọc sách, cổ vũ sáng tác văn thơ cho học sinh và giáo viên”.

Hoạt động này bước đầu đã tạo ra hiệu quả tích cực. Cô Đinh Thị Luyện, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cho biết sau buổi giao lưu, rất nhiều học sinh đã tập làm những bài thơ ngắn và nhờ cô nhận xét, chỉnh sửa, cho thấy hoạt động giao lưu không chỉ “gieo mầm” văn hóa đọc mà còn cổ vũ phong trào sáng tác trong học sinh.

Tặng sách

Song hành hoạt động giao lưu với tác giả, những năm qua tặng sách được tích cực thực hiện. Từ ngày 21-30.4, Thư viện tỉnh tặng sách cho bạn đọc làm thẻ Phòng Mượn, Phòng Thiếu nhi cũng như tặng thẻ phòng đọc cho bạn đọc từ 15 tuổi trở lên. Dịp này, Thư viện tỉnh cũng tặng hàng trăm cuốn sách cho tủ sách cơ sở hoạt động tốt trong tỉnh và một số thư viện trường học.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Những năm qua, Thư viện tỉnh đã tặng hàng nghìn cuốn sách cho các thư viện cơ sở cũng như độc giả trong tỉnh. Hoạt động này được duy trì nhiều năm nay để khuyến khích phong trào đọc sách trong các trường và thư viện cơ sở”.

Được tiếp nhận sách, nhiều thư viện đã có biện pháp hiệu quả khuyến khích phát triển văn hóa đọc. Tháng 5.2022, thư viện Trường Tiểu học An Thượng (TP Hải Dương) được tiếp nhận 500 đầu sách, truyện, trị giá gần 15 triệu đồng do Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao TP Hải Dương trao tặng. Thư viện Trường Tiểu học An Thượng nay có hàng nghìn đầu sách với đa dạng chủ đề như khoa học, lịch sử, kỹ năng sống… phù hợp với lứa tuổi học sinh, được công nhận là thư viện tiên tiến.

Cô Bùi Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng cho biết để khuyến khích phong trào đọc sách, nhà trường đã phát động phong trào tự đọc sách tại nhà; phát triển thư viện số; duy trì thư viện xanh tạo môi trường đọc sách mở; tạo thư viện di động ở các góc nhỏ trong sân trường…

“Áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích nên học sinh đã yêu thích đọc sách hơn, góc đọc sách thu hút nhiều học sinh mỗi giờ ra chơi, số lượng các em mượn sách từ thư viện nhà trường về nhà đọc tăng cao”, cô Hường chia sẻ.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
“Gieo mầm” văn hóa đọc