Đưa văn hóa đọc đến gần hơn với cộng đồng

21/04/2022 09:20

Bằng việc xây dựng đề án, phát động phong trào đọc sách và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, Hải Dương đã và đang lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm nhân lên niềm yêu sách trong mọi lứa tuổi.


Trường THCS Ái Quốc (TP Hải Dương) tổ chức Hội thi trưng bày và giới thiệu sách với chủ đề “Sách-hành trang tuổi trẻ”


Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sách đến với cộng đồng, nhân lên niềm yêu sách trong mọi lứa tuổi.

Nâng cao nhận thức về giá trị của sách

Những ngày qua, ông Vũ Quốc Ái, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang), cũng là người quản lý tủ sách dòng họ Vũ, tất bật chuyển số sách từ hạ đường của miếu làng ra thư viện mới của thôn, khang trang, rộng rãi hơn. Ông Ái cho biết: “Lãnh đạo địa phương muốn chuyển tủ sách ra đây để người dân có không gian đọc thoáng mát. Chúng tôi mong muốn mỗi người con của quê hương thấy được giá trị của sách đối với việc nâng cao tri thức và vận dụng những kiến thức có trong sách vào cuộc sống hằng ngày”.

Sau hơn 10 năm, từ một tủ sách dòng họ có quy mô nhỏ, đến nay đã phát triển thành thư viện của thôn Mộ Trạch với hơn 5.000 đầu sách. Các loại sách cũng rất đa dạng, từ chính trị, văn hoá, xã hội, nông nghiệp, tâm lý đến các báo, tạp chí, luận văn, luận án của sinh viên... Sách được xếp ngăn nắp vào từng ô và ghi chỉ dẫn rõ ràng. Ông Vũ Đình Tam, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mộ Trạch chia sẻ: “Phát huy tinh thần ham học của làng tiến sĩ, chúng tôi muốn con em quê hương, nhất là thế hệ trẻ dành thời gian để đến thư viện thôn đọc sách, báo thay vì sa đà vào điện thoại, ti vi. Thời gian tới, chúng tôi tích cực vận động những tổ chức, cá nhân và nhà xuất bản trong nước tài trợ để nguồn sách của thư viện thêm phong phú, thu hút nhiều người đến đọc”.

Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng và nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của sách, UBND tỉnh đã ban hành Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đề án có nhiều nội dung yêu cầu các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức những hoạt động thiết thực để mỗi người dân thấy được giá trị của sách.
Anh Nguyễn Văn Huy ở phường Hải Tân (TP Hải Dương), một bạn đọc quen thuộc của Thư viện tỉnh cho rằng, trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, để người dân đọc sách và yêu sách in là thách thức không nhỏ. Điều này đòi hỏi các đơn vị cung cấp, phát triển sách thay đổi liên tục để sách có nội dung phong phú, khác biệt so với những thông tin mà bạn đọc có thể tiếp cận trên mạng. 



Thư viện ở các thôn, khu dân cư đã được nhận sách nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022


Chung tay phát triển văn hóa đọc

Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng cần sự chung tay từ gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước cho đến những người làm công tác phát hành, xuất bản. Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, để phát triển văn hóa đọc thì trước hết cha mẹ, người thân trong gia đình phải truyền lửa tình yêu sách cho các con. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Hải Dương năm 2021 vừa qua cho thấy gia đình nào mà cha mẹ yêu sách thì con trẻ cũng say mê đọc sách ngay từ nhỏ.

Anh Nguyễn Thành Chung ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) có con gái tham gia cuộc thi nói trên nhận định để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng thì mỗi gia đình phải thấy được tác dụng của sách trong hành trình khôn lớn của con. Mặc dù công việc bận rộn nhưng gia đình anh vẫn thường xuyên dành thời gian cùng con đọc sách. 

Thời gian gần đây, phong trào đọc sách còn được nhiều trường trong tỉnh quan tâm. Ngay từ đầu tháng 4 năm nay, nhiều trường đã phát động phong trào quyên góp sách với chủ đề “Gieo mầm tri thức”, vận động phụ huynh, học sinh tặng sách cho thư viện. Các trường cũng khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con. Một số trường còn tổ chức hội thi trưng bày và giới thiệu sách cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP Hải Dương cho biết để góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21.4 năm nay, ngoài các hoạt động giới thiệu, trưng bày sách, cuối tháng 5, trung tâm sẽ tổ chức chương trình “Tủ sách yêu thương”, trao 5.000 cuốn sách cho một số trường vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Dịp này, trung tâm còn tặng hoặc luân chuyển sách cho một số thư viện tiêu biểu của thành phố. 

Thực tế trong thời đại công nghệ số, nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã có cách đọc sách hiện đại hơn như đọc sách trực tuyến, sách nói... Độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào chỉ với thiết bị di động thông minh, máy tính có kết nối internet. Dù phương thức đọc sách có thay đổi nhưng nguồn tri thức, giá trị mà sách mang lại vẫn luôn trường tồn và văn hóa đọc luôn cần được lan tỏa.

LAN ANH 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa văn hóa đọc đến gần hơn với cộng đồng