Để học sinh yêu thích sách, nhiều trường học trong tỉnh đã có những cách làm riêng. Từ đó dần hình thành thói quen đọc sách, góp phần gìn giữ và lan tỏa phong trào đọc trong trường.
Cô giáo Trần Thị Lành, Trường THPT Nam Sách cùng học sinh đọc sách
Chủ động tìm đọc
Trong giờ ra chơi, dưới các tán cây tại sân vận động của Trường Tiểu học Gia Hòa (xã Yết Kiêu, Gia Lộc), từng nhóm học sinh say mê đọc sách, đọc truyện. Theo em Đoàn Hải Đăng, lớp 3B, mỗi khi đọc sách em thấy thư thái, thoải mái, không bị mỏi mắt giống như xem điện thoại hay ti vi. Em có thể xem đi xem lại hình ảnh trong sách nên nhớ lâu. Mỗi tuần em phấn đấu đọc 5 cuốn sách hoặc truyện mượn từ thư viện của trường.
Gia đình và nhiều thầy cô giáo trong trường học luôn quan tâm, định hướng để hình thành thói quen đọc sách, yêu thích truyện cho các em ngay từ nhỏ. "Hồi bé, bố thường xuyên đọc truyện cho em nghe những lúc rảnh rỗi, trước khi đi ngủ. Lớn lên, khi đạt thành tích cao trong học tập, em đều được bố thưởng cho 1 cuốn sách đã giúp em có thói quen đọc sách", em Lương Vân Hồng, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) chia sẻ.
Đọc sách báo giúp hình thành nhân cách từ sớm, bồi đắp tình yêu thương với gia đình, bạn bè. Từ nhỏ, em Đoàn Thị Hương Thảo, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Thanh Sơn (Thanh Hà) đã có niềm yêu thích đặc biệt với sách báo, nhất là truyện cổ tích Việt Nam như Cây tre trăm đốt, Tấm cám... Em đã giành giải xuất sắc trong cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2022. "Qua các câu chuyện cổ tích, em thấy có nhiều bài học ý nghĩa, giúp em tránh xa thói hư, tật xấu, thêm yêu bố mẹ, thầy cô, bạn bè hơn", Thảo nói.
Đa dạng các hình thức
Đọc sách, truyện giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết, hình thành lối sống, đạo đức chuẩn mực, rời xa những mặt trái của xã hội... Nhận thức được tầm quan trọng đó, mỗi trường học lại có những cách thức khác nhau khơi dậy tình yêu, rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh.
Em Đoàn Hải Đăng, lớp 3B (ngoài cùng bên phải) Trường Tiểu học Gia Hòa (xã Yết Kiêu, Gia Lộc) phấn đấu mỗi tuần đọc 5 cuốn truyện, sách
Nhiều năm nay, trong thời khóa biểu, Trường Tiểu học Gia Hòa đều cố định mỗi lớp có 1 tiết đọc sách/tuần tại thư viện của trường. Từ năm 2021, trường xây dựng "Sách điện tử" bằng cách chọn các cuốn sách hay để đọc và ghi âm lại. Với nhiều tác phẩm, thầy cô còn kỳ công lồng ghép hình ảnh, âm thanh sinh động nhằm thu hút học sinh. Trong các buổi tổng kết hay qua các cuộc thi, nhà trường khen thưởng học sinh bằng sách hoặc truyện. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức cuộc thi "Đọc hay", vẽ tranh về nhân vật theo chủ đề yêu thích nhằm khuyến khích sự chủ động đọc sách của học sinh. Nhà trường phối hợp Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục Hải Dương trưng bày sách ngay tại trường cho các em tham quan, trải nghiệm. Với tinh thần "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay", ngoài thư viện của trường, mỗi lớp học đều dành một phần diện tích để làm thư viện nhỏ riêng. "Nhà trường có nhiều cách khơi gợi đam mê, đồng thời định hướng cho các em thói quen đọc sách và đã mang lại những kết quả bước đầu. Nhiều học sinh đã chủ động xuống thư viện đọc và mượn sách về đọc", cô Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hòa cho biết.
Để khuyến khích phong trào đọc, Đoàn Trường THPT Nam Sách tổ chức phong trào "Mỗi đoàn viên một cuốn sách làm bạn", giới thiệu "Những cuốn sách hay về Bác Hồ" vào các tiết sinh hoạt cuối tuần. Để giới thiệu về cuốn sách yêu thích, học sinh đó phải đọc, tìm hiểu những nội dung chính. Nhiều năm nay, Trường THPT Nam Sách xây dựng được "Câu lạc bộ Sáng tác thơ văn" thu hút đông đảo học sinh có năng khiếu, yêu thích văn chương tham gia. Thư viện nhà trường có hàng nghìn cuốn sách, trong đó có cả tủ sách do nhà thơ Trần Đăng Khoa, cựu học sinh khóa 11 của trường tặng, luôn tạo điều kiện cho học sinh mượn đọc, nghiên cứu. "Với cách giảng dạy mới cũng như sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, học sinh đã chủ động hơn trong việc đọc sách. Ngoài những cuốn sách phục vụ học tập, các em còn đọc tác phẩm văn học, sách về đời sống xã hội để bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết", cô Trần Thị Lành, giáo viên phụ trách Câu lạc bộ Sáng tác văn thơ của trường cho biết.
Dù các trường học đã cố gắng, nỗ lực trong việc truyền cảm hứng đọc sách nhưng ngày nay do sự phát triển của công nghệ thông tin nên việc đọc sách của học sinh còn hạn chế. Để khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh hơn nữa cần sự phối hợp từ gia đình. Ngay từ nhỏ cha mẹ cùng con đọc sách, giúp con lựa chọn cuốn sách phù hợp, hạn chế con sử dụng thiết bị điện tử...
THANH HÀ