Y tế - Sức khỏe

Những lý do khiến hơi thở có cồn dù không uống rượu bia

Theo Vietnamnet 02/12/2023 20:55

Tiêu thụ một số đồ ăn, thức uống hoặc mắc hội chứng hiếm gặp có thể khiến hơi thở có mùi rượu. Nhiều người lo ngại có thể bị oan khi cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) giải thích về lý do khiến hơi thở có nồng độ cồn dù bạn không uống rượu bia và các vấn đề liên quan.

Hơi thở có cồn dù không uống rượu bia

Ngoài việc uống rượu hoặc bia, tiêu thụ một số loại đồ ăn và thức uống khác có thể khiến hơi thở của bạn có mùi cồn. Có thể kể đến những loại trái cây có hàm lượng đường cao như vải, dứa, sầu riêng… khi chín quá mức sẽ bị lên men (glucose chuyển hóa thành rượu).

Một số trường hợp hiếm gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc người mắc hội chứng tự sinh rượu (hội chứng say không do uống rượu) cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn.

Một số món ăn và thức uống có thể chứa lượng nhỏ rượu sau khi đã nấu chín hoặc nước cạn. Thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải nấu kỹ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi sơ chế.

fruits .jpg
Nhiều người lo lắng khi ăn trái cây có thể khiến hơi thở có cồn (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Ngoài ra, tiêu thụ lượng lớn các món ăn được chế biến bằng rượu như tiramisu, bánh rum, hay các loại sốt có chứa cồn, có thể gây nồng độ cồn trong hơi thở. Các nước trái cây lên men như kefir hoặc kombucha chứa một lượng nhỏ cồn do quá trình lên men tự nhiên.

Bên cạnh đó, có khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc các loại nước súc miệng mà thành phần có cồn.

Tuy nhiên, nồng độ cồn trong những sản phẩm này thường rất thấp và không gây ra ảnh hưởng lớn đối với nồng độ cồn trong hơi thở, trừ khi bạn tiêu thụ lượng lớn trong một thời gian ngắn. Kỹ thuật hiện nay của cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể loại trừ được.

Sự khác biệt khi đo nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu

Việc đo nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở là hai phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra mức cồn trong cơ thể của một người sau khi tiêu thụ cồn.

Nồng độ cồn trong máu có thể tăng hoặc giảm dựa trên quá trình trao đổi cồn trong cơ thể. Trong khi đó, nồng độ cồn trong hơi thở thường phản ánh tình trạng tức thời, thay đổi nhanh chóng khi cồn được tiêu hóa và loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Nồng độ cồn trong máu được xem là phương pháp đo chính xác hơn để xác định nồng độ cồn thực sự trong cơ thể, thường được sử dụng trong các tình huống pháp lý. Còn nồng độ cồn trong hơi thở có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như thức ăn, nước uống...

nong do con 287.jpeg
Lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn

Mức nồng độ cồn tùy thuộc vào mỗi người và cơ địa, giới hạn sức khỏe, khả năng tiếp nhận và đào thải rượu bia khác nhau. Một số người có thể mất tỉnh táo và bị ảnh hưởng đến kỹ năng lái xe ở mức nồng độ cồn thấp hơn so với người khác.

Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng sử dụng nồng độ cồn trong hơi thở để kiểm tra sự tỉnh táo của người lái xe, sau đó xác định nồng độ cồn trong máu để xác định vi phạm.

Theo Vietnamnet
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lý do khiến hơi thở có cồn dù không uống rượu bia