Góc nhìn

Tâm phục việc xử lý vi phạm nồng độ cồn

THÙY HƯƠNG 27/11/2023 10:56

Chị bạn thân gọi cho tôi, thông báo: “Chồng tớ vừa bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn”.

Tôi đang nghĩ rằng chị sẽ hỏi cách can thiệp xin xe, thì bất ngờ, chị bảo: “Quy định này hay thật đấy. Người thân nói rất nhiều lần không nghe, nhưng sau khi bị phạt và giữ xe, thì cả tuần nay không thấy ngồi nhậu sau giờ làm hay say xỉn về nhà nữa”.

Chắc không riêng chị bạn tôi đồng tình với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ô tô, xe máy… mỗi loại xe một mức phạt khác nhau, kết hợp thu giữ phương tiện cộng nộp tiền lưu kho và còn thông báo về cơ quan nơi công tác. Các mức “án phạt” khá “đau”, nhưng tác dụng giáo dục và điều chỉnh hành vi rất tốt, bởi những người cầm lái đã “biết sợ” khi trong mình có hơi men.

Đáng lưu ý hơn nữa là công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn rất nghiêm, có thể nói là không có “vùng cấm”. Mọi trường hợp vi phạm khi bị phát hiện, đều bị xử lý nghiêm, không hề có ngoại lệ hay xử lý kiểu “xin cho”. Điều này càng khiến việc tuân thủ quy định về nồng độ cồn dần đi vào nền nếp.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Hơn nữa, quy định này và sự nghiêm túc khi thực hiện, đã góp phần hình thành thói quen “đã uống rượu bia, không lái xe” và xây dựng văn hoá giao thông văn minh, hiện đại. Ngày càng nhiều lần câu từ chối rượu bia: “Tôi phải lái xe về”, được đưa ra trên bàn tiệc, với lý do không thể hợp lý hợp tình hơn và được đồng tình.

Chính vì vậy, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ với quy định về việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn, bởi góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, duy trì trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu trao đổi về việc quy định cấm tuyệt đối về nồng độ cồn có thể dẫn tới những bất tiện trong sinh hoạt, giao tiếp, và hiệu quả kinh doanh… Có đại biểu đề xuất nên có giới hạn với người điều khiển từng loại phương tiện khác nhau (ví dụ xe chở người khác xe chở hàng); có đại biểu đề xuất một mức giới hạn nồng độ cồn nào đó là được phép...

Những đề xuất này không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế đời sống cũng như thói quen giao tiếp, sinh hoạt, thậm chí đặc điểm về sinh học của mỗi người cũng phần nào dẫn tới sự tồn tại một nồng độ cồn nhất định trong cơ thể. Các ý kiến của đại biểu được tổng hợp từ ý kiến của cử tri và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật cao cũng như ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng.

Hai luồng quan điểm nêu trên, thực ra có điểm chung là sự đồng thuận với mục tiêu bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự xã hội, ngăn chặn những tổn thất vì tai nạn giao thông do rượu bia mang lại. Điểm còn gây tranh luận, chính là quy định cụ thể như thế nào, mức độ nồng độ cồn ra sao… để bảo đảm quyền của mỗi cá nhân song song với lợi ích của xã hội; bảo đảm lợi ích kinh tế song hành với mục tiêu an toàn giao thông.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, là dù theo quan điểm “0 độ cồn” hay “có phần trăm nhỏ” thì đều cần phải được đưa ra dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, để các quy định được đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích người dân.

Trên thực tế, tính mạng, sức khoẻ của con người luôn là điều được đặt lên trên hết và sự đồng tình chấp hành của người dân thời gian qua với quy định xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy lợi ích của quy định này. Để có thể lượng hoá những lợi ích này, khiến quy định trở nên thuyết phục hơn nữa, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, đơn vị, để đưa ra được các con số cụ thể, dựa trên kết quả thống kê, nghiên cứu và phân tích một cách khoa học, có sự so sánh, cân nhắc một cách toàn diện với các mặt lợi ích khác.

Có như vậy, mọi quy định sẽ đi vào cuộc sống với sự “tâm phục khẩu phục” hoàn toàn và mọi quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được bảo đảm.

THÙY HƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm phục việc xử lý vi phạm nồng độ cồn