SEA Games 31 cũng để lại cho Hải Dương không ít những kinh nghiệm để tổ chức các sự kiện lớn tiếp theo ở tầm quốc gia và khu vực.
Đoàn vận động viên, huấn luyện viên các nước tham gia môn bóng bàn SEA Games 31 tại Hải Dương tìm hiểu quy trình làm gốm Chu Đậu
Khi tay vợt quê Hải Dương Nguyễn Đức Tuân chiến thắng trước Phakpoom Sanguansin của Thái Lan, giành tấm huy chương vàng quý giá ở môn bóng bàn SEA Games 31 ngay trên quê hương cả khán đài như vỡ òa. Niềm vui ấy lan tỏa khắp nơi cũng đã khép lại một mùa SEA Games tại Hải Dương thành công và đáng nhớ.
Sự sôi động của Đại hội Thể dục thể thao lớn của khu vực tại Hải Dương đã tạo được sức hút với nhiều người. Có dịp tham dự các sự kiện bên lề hoạt động thi đấu môn bóng bàn tôi đã cảm nhận rõ điều này. Tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông không ít người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh, thậm chí từ tỉnh ngoài như Hưng Yên, Thái Bình cùng cả gia đình đến đây để xem biểu diễn và trải nghiệm bay khinh khí cầu. Nhiều hoạt động như múa rối nước, hát chèo trên sông, làm gốm, làm cốm, tham quan các gian hàng thủ công truyền thống của Hải Dương dịp này cũng đã để lại những ấn tượng khó quên đối với người dân. Trên các trang mạng xã hội, các hoạt động, hình ảnh của Hải Dương được chia sẻ rộng rãi. Có thể nói dịp SEA Games 31 người dân Hải Dương như trải qua những ngày hội lớn bù đắp cho quãng thời gian phải cách ly, phong tỏa, rồi hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh.
Sự thịnh tình của người xứ Đông đã được quảng bá khi các đoàn vận động viên bóng bàn được tiếp đón nồng hậu và chu đáo. Câu chuyện ông Tee Lip Hian, Trưởng đoàn bóng bàn Malaysia đi nhầm về khách sạn Nam Cường ở Nam Định và được Ban Tổ chức môn bóng bàn SEA Games 31 của tỉnh điều xe kịp thời đón về Hải Dương chắc hẳn sẽ thật khó quên với cá nhân ông và nhiều người. Những chuyến tham quan, trải nghiệm của các đoàn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài… ở nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh và điểm du lịch của tỉnh cũng đã để lại những ấn tượng nhất định. Và chắc chắn qua họ hình ảnh Hải Dương sẽ được lan tỏa.
SEA Games 31 khép lại nhưng đã mở ra nhiều cơ hội cho Hải Dương. Cơ hội đó không chỉ dành cho du lịch mà còn nhiều lĩnh vực khác. Trong thu hút đầu tư, hình ảnh một Hải Dương mến khách, chu đáo sẽ là điểm cộng để các doanh nghiệp chọn Hải Dương làm điểm đến. “Đất lành chim đậu”, ngoài những nỗ lực hết mình trong đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng… thì những sự kiện như SEA Games 31 sẽ khiến các doanh nghiệp thấy được tiềm năng của Hải Dương, từ đó tạo niềm tin, thu hút đầu tư.
Người Hải Dương cũng thêm tin tưởng vào sự thay đổi mạnh mẽ của quê hương. Đó là sự năng động, nhạy bén của chính quyền các cấp, nhất là những người đứng đầu để tạo ra sự bứt tốc của Hải Dương trong thời gian tới. Sự kiện lần này đã tạo ra những dấu ấn khác biệt so với kỳ SEA Games cách đây gần hai thập kỷ. Qua SEA Games 31, người dân cũng thấy được sự thích ứng, linh hoạt của Hải Dương-từng là tâm dịch lớn của cả nước nay đã khác, sẵn sàng vượt khó, thay đổi, thích ứng để phát triển.
Thành công của kỳ SEA Games 31 lần này tại Hải Dương còn phải kể đến vai trò của mỗi người dân trong tỉnh. Đó chính là những cầu nối quảng bá hình ảnh quê hương. Từ những việc làm nhỏ như chung tay dọn vệ sinh đường phố; sự niềm nở, ân cần, chu đáo của các tình nguyện viên hay đơn giản chỉ là những chia sẻ, giới thiệu những sự kiện của tỉnh dịp này cũng là cách để Hải Dương được biết đến nhiều hơn.
SEA Games 31 có nhiều điều để nhớ, nhất là một Đức Tuân Hải Dương mạnh mẽ, đam mê, một ngôi sao thể thao truyền cảm hứng. Sự kiện này càng khẳng định niềm tin mạnh mẽ về sự bứt tốc của mảnh đất xứ Đông.
HẢI MINH