Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài cuối: Nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược

10/05/2021 14:31

Các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược được các Văn kiện Đại hội XIII đề ra vừa kế thừa từ một số nhiệm kỳ trước, vừa bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình, yêu cầu mới.

>>>Bài 13: Xây dựng Đảng giai đoạn 2021-2025
>>> Bài 12: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa​
>>> Bài 11: Phát huy dân chủ và đại đoàn kết toàn dân tộc​
>>>Bài 10: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế
>>>Bài 9: Bảo đảm quốc phòng, an ninh
>>>Bài 8: Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
>>>Bài 7: Phát triển văn hóa, xã hội, con người
>>>Bài 6: Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ

>>> Bài 4: Dự báo tình hình, quan điểm và định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030
>>> Bài 3: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tiến trình đổi mới
>>> Bài 2: Phương pháp tiếp cận
>>> Bài 1: Tầm nhìn và chủ đề của Đại hội XIII



Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tiếp tục là một đột phá chiến lược trong 5-10 năm tới

6 nhiệm vụ trọng tâm

Từ kinh nghiệm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Đảng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Báo cáo chính trị Đại hội XIII tách nội dung "Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII" thành một mục riêng - mục XV.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 không trình bày các nhiệm vụ trọng tâm mà căn cứ vào định hướng của Báo cáo chính trị, trình bày sâu về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, sau khi trình bày 10 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng, nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm. Những nhiệm vụ, giải pháp được trình bày trong báo cáo chuyên đề góp phần làm rõ hơn, cụ thể hơn những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Báo cáo chính trị.

So với Báo cáo chính trị Đại hội XI và Đại hội XII, những nhiệm vụ trọng tâm trình bày trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII được kết cấu lại và bổ sung những nội dung mới.

Báo cáo chính trị Đại hội XI xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; (2) Cải cách hành chính; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (4) Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế; (5) Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương; (6) Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc; (7) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Báo cáo chính trị Đại hội XII nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (3) Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; (4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; (5) Giải quyết các vấn đề xã hội, phát huy vai trò nhân dân; (6) Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII trình bày 6 nhiệm vụ trọng tâm theo kết cấu mới và có những nội dung mới: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; (3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, quốc phòng, an ninh…; (4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;  (6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điểm mới trong cách sắp xếp và thể hiện nội dung các nhiệm vụ trọng tâm trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII là tích hợp các trọng tâm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về phát triển văn hóa, xã hội, con người; tách để nhấn mạnh trọng tâm về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung trọng tâm về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược

Văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu trong 5, 10 năm tới. Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu 3 đột phá chiến lược trong 10 năm.

Giữa Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tuy có những khác biệt trong xác định nội dung cụ thể của từng đột phá chiến lược do tầm bao quát về thời gian khác nhau (5 năm và 10 năm), song đều thống nhất nhận đinh: 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định (thể chế phát triển kinh tế thị trường; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ) có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

Về đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, Báo cáo chính trị mở rộng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trong đó thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trọng tâm. Hoàn thiện thể chế trong 5 năm tới gắn với đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả hướng vào 4 trọng điểm: (1) Tạo lập môi  trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; (2) Tạo lập khung khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (3) Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; (4) Phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Từ tầm bao quát 10 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mở rộng và nhấn mạnh nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại gắn với xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Về đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Báo cáo chính trị xác định 2 nội dung cơ bản: (1)  Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; (2) Phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ và đặt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, để tập trung nguồn lực, hoàn thành dứt điểm các công trình hạ tầng quan trọng, đồng thời với định hướng phát triển đồng bộ cả về kinh tế và xã hội, Báo cáo chính trị nhấn mạnh 2 hướng ưu tiên: (1) Phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với phạm vi bao quát 10 năm, bổ sung ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng xác định 3 giải pháp đột phá, tuy không phải là đột phá chiến lược, song có ý nghĩa rất quan trọng: "(1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. (2) Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. (3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực".

(0) Bình luận
Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài cuối: Nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược