Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 8: Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

04/05/2021 14:33

So với Đại hội XII, các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều chỉ tiêu, yêu cầu mới trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh tới vai trò của thị trường trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn tài nguyên

Bảo vệ môi trường sống là mục tiêu hàng đầu

Các chỉ tiêu về môi trường được xác định trong Văn kiện Đại hội XII ít hơn, yêu cầu đề ra thấp hơn như: Đến năm 2020, 15% số dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Các chỉ tiêu về môi trường được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII nhiều hơn, yêu cầu cao hơn. Báo cáo chính trị đề ra các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong thời kỳ 5 năm 2021-2025, đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, của cư dân nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng thời chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến đổi của tình hình.

Về định hướng, Báo cáo chính trị Đại hội XII đề ra 12 nhiệm vụ tổng quát, trong đó có nhiệm vụ: khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu (nhiệm vụ thứ 6). Trong nhiệm vụ thứ 12 là về quán triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn có quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (chưa có vấn đề môi trường).

Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 6 về lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều nội dung mới, cụ thể, thể hiện quyết tâm cao, như: quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

Trong định hướng thứ 12 "Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn", do ý nghĩa và tầm quan trọng ngày càng lớn của vấn đề bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội từng bước được nêu ra từ các Đại hội trước, được bổ sung thêm nội dung mới là "bảo vệ môi trường" để trở thành mối quan hệ "giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường".

Về nhiệm vụ trọng tâm, Báo cáo chính trị Đại hội XII đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2020, trong đó không có nội dung về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025. Do tầm quan trọng và ý nghĩa cấp thiết của vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nội dung này được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là nhiệm vụ trọng tâm thứ 6: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.


Việt Nam sẽ ưu tiên các nguồn lực để thích ứng với biến đối khí hậu

Đặc biệt quan tâm ứng phó với biến đối khí hậu

Về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, Báo cáo chính trị Đại hội XII đề ra các nhiệm vụ tập trung vào trách nhiệm quản lý nhà nước (chưa đề cập đến vai trò của thị trường): Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế của các tài nguyên quốc gia. Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững các yếu tố tài nguyên quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả. Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia…

Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã đề ra các nhiệm vụ vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong lĩnh vực này: Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển của đất nước. Hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí; tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai…

Về bảo vệ môi trường, so với Đại hội XII, trong Văn kiện Đại hội XIII, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm nhấn mạnh hơn, những nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, mang tính chủ động hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn, cụ thể hơn. Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra các nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát môi trường, dự báo và cảnh báo ô nhiễm và thảm họa môi trường. Có kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các ngành, doanh nghiệp dựa nhiều vào tài nguyên, gây ô nhiễm, nguồn phát thải khí nhà kính. Tập trung xử lý chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại hội XII đã đề ra nhiệm vụ chủ động thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai với những giải pháp cụ thể. Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra nhanh, phức tạp, thiên tai và dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, cường độ, tác động tàn phá ngày càng lớn, Đại hội XIII đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ cụ thể hơn, đầy đủ, toàn diện hơn để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Báo cáo chính trị đề ra nhiệm vụ: Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai. Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để thích ứng với biến đối khí hậu, phòng tránh, hạn chế, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu. Đại hội XIII cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài 9: Bảo đảm quốc phòng, an ninh

(0) Bình luận
Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 8: Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu