Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Bài 7: Phát triển văn hóa, xã hội, con người

03/05/2021 10:52

Trên cơ sở những nhận thức mới, những thay đổi trong tình hình thực tế, các Văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển thêm nhiều nội dung mới về văn hóa, xã hội, con người.




Nền báo chí Việt Nam được định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Coi trọng hệ giá trị gia đình

Các Văn kiện Đại hội XIII không chỉ đặt ra vấn đề "đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam", mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" với "hệ giá trị gia đình Việt Nam" là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Hơn thế nữa, gia đình cũng chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm mống đầu tiên có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người. Vì thế, đây cũng chính là cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.

Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam, Báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới là "Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dụng nước và giữ nước. Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam, vừa khẳng định giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người  Việt Nam, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc. Khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tốt đẹp trong truyền thống như hai mặt, đồng thời góp phần xây dựng và không ngừng hoàn thiện con người Việt Nam.

Đối với các loại hình hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, truyền thông, điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là "Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật"; quan tâm "phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số"; "đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật,… khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả"; "Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng".

Về lĩnh vực báo chí, truyền thông, các Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra từ Đại hội XII, trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Đồng thời, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại".


Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện để thích ứng với già hóa dân số

Quan tâm lao động khu vực phi chính thức

Báo cáo chính trị Đại hội XIII tiếp tục khẳng định nội dung, vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhưng nhấn mạnh yêu cầu "bền vững" như mục tiêu chung trong toàn bộ các vấn đề ấy và chỉ ra một số nội dung mới, cụ thể hơn về phương pháp tiếp cận, nội dung, mục tiêu, ý nghĩa và yêu cầu đối với lĩnh vực này.

Về nhận thức đối với các vấn đề xã hội, Báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu "bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội", trong đó "Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người".

Trong chính sách quản lý phát triển xã hội, các Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh về chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho các vấn đề xã hội. Báo cáo chính trị nêu rõ: "Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là lao động khu vực phi chính thức. Yêu cầu mới này bao gồm cả 2 mặt: huy động tối đa các nguồn  lực trong xã hội và phân bổ một cách công bằng, hợp lý, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực của Nhà nước, tư nhân, các tổ chức của nhân dân để giải quyết các vấn đề xã hội.

Đối với vấn đề lao động, các Văn kiện Đại hội XIII đặt ra vấn đề một cách hệ thống, toàn diện hơn, bao gồm: xây dựng thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, chính sách tiền lương, hỗ trợ thất nghiệp. Về thị trường lao động, các Văn kiện Đại hội XIII không chỉ khẳng định sự cần thiết phải phát triển một thị trường lao động thật sự mà còn chỉ ra rất rõ về phương hướng, tính chất và yêu cầu của thị trường lao động. Đó là "Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững", "… phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước". Đặc biệt, các Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm đến lao động khu vực phi chính thức, nhất là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề. Đây là bộ phận yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội, cần được tạo các điều kiện thuận lợi để có thể tham gia vào khu vực lao động chính thức, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro trong cuộc sống.

Về chính sách tiền lương, nếu như Báo cáo chính trị Đại hội XII chỉ nêu yêu cầu chung là "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý" thì Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã chỉ rõ yêu cầu, tính chất của chính sách tiền lương, đó là "chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả".

Về vấn đề dân số, lần đầu tiên các Văn kiện Đại hội XIII đề cập đến vấn đề dân số vàng và dự báo về thời kỳ già hóa dân số. Từ nhận thức về những thuận lợi của thời kỳ dân số vàng và những dự báo về quá trình già hóa dân số, Báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu: "… phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số", nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đặt ra 2 chỉ tiêu: Mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,12 con, tức là điều kiện để bảo đảm mức sinh thay thế và đến năm 2025 đạt tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái nhằm bảo đảm cân bằng giới tính. Đây cũng chính là 2 vấn đề đặt ra từ thực tế dân số nước ta thời gian qua, trong đó mức sinh của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực đô thị giảm nhanh, có nguy cơ không bảo đảm mức sinh thay thế. Mặt khác, tỷ số giới tính khi sinh ngày càng chênh lệch dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững về dân số.

Bài 8: Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Bài 7: Phát triển văn hóa, xã hội, con người