Chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh đại học năm 2024, các trường đại học tốp đầu liên tiếp đưa thông tin về những điểm thay đổi trong phương thức tuyển sinh, cũng như các ngành học mới của nhà trường.
Thí sinh nên chủ động tìm hiểu sớm Đề án tuyển sinh của mỗi trường để lên kế hoạch cho bản thân khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân thay đổi phân nhóm thí sinh
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa thông tin về những thay đổi trong phân nhóm thí sinh ở phương thức xét tuyển kết hợp, với 3 nhóm đối tượng.
Nhóm 1 là thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT. Điều kiện về điểm tối thiểu với hai chứng chỉ này giữ nguyên: SAT từ 1200 điểm, ACT từ 26 điểm và còn thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2024.
Nhóm 2 là thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (APT), điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA), chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA.
Điều kiện nhận hồ sơ cũng không thay đổi: HSA từ 85 điểm, APT từ 700 điểm, TSA từ 60 điểm, IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 và W 150) trở lên kết hợp với điểm HSA/APT/TSA.
Nhóm 3 là thí sinh sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Điều kiện nhận hồ sơ là IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của môn Toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Như vậy, so với cách phân nhóm trước đây, hiện nhóm 1 đã được tách thành hai nhóm: nhóm dùng chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế SAT/ACT và nhóm dùng chứng chỉ Việt Nam HSA/APT/TSA.
Các trường sư phạm mở ngành đào tạo các môn tích hợp
Theo Quyết định mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được bộ cho phép đào tạo 2 ngành: Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên trình độ đại học.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên trình độ đại học. Đây là ngành đào tạo giáo viên giảng dạy lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) tại các trường THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành học này được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về đội ngũ giáo viên có thể dạy học tích hợp; chương trình thường xuyên cập nhật, đảm bảo phù hợp với thực tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật trình độ đại học. Trong năm đầu tiên, nhà trường dự kiến tuyển sinh 40 chỉ tiêu với ngành này.
Như vậy, sau 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc mở thêm các ngành đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và các môn nghệ thuật nhằm bổ sung nguồn nhân lực hiện đang còn thiếu tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời đảm bảo nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn học này.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xét bảo lưu điểm thi tốt nghiệp THPT
Mới đây, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thông báo tuyển sinh 2.430 chỉ tiêu hệ chính quy năm nay với 26 ngành, chương trình liên kết. Bên cạnh đó, trường điều chỉnh một số nội dung về bảo lưu kết quả thi và chứng chỉ tiếng Anh.
Cụ thể, trường tổ chức tuyển sinh theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét học bạ; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu năm 2024; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; phương thức khác.
Trong phương thức khác, nhà trường chia thành 2 cách thức. Thứ nhất là xét bảo lưu điểm thi tốt nghiệp THPT của năm 2022, 2023 với các nhóm ngành, ngành, chuyên ngành đại trà không có môn thi năng khiếu trong tổ hợp xét tuyển. Thứ hai, xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn trực tiếp theo quy định của trường đối tác với các chương trình liên kết quốc tế.
Đối với xét thẳng, nhà trường xét tuyển thẳng các trường hợp theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng với tất cả các nhóm ngành, ngành, chuyên tuyển ngành không có môn thi năng khiếu. Bên cạnh đó, nhà trường xét tuyển thẳng theo quy định riêng trong đề án tuyển sinh của trường, áp dụng với chương trình tiên tiến ngành kiến trúc, xét thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên hoặc tương đương và có điểm thi năng khiếu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đại học Bách khoa Hà Nội mở ngành Quản lý giáo dục
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vừa chính thức công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến là 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tang hơn 1.200 chỉ tiêu so với năm trước.
Về phương thức tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định ba phương thức xét tuyển như năm 2023, trong đó, dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy, 50% cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tuyển sinh một chương trình mới là: Quản lý giáo dục (mã xét tuyển ED3) với 60 chỉ tiêu.
Chương trình này nhằm cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức về khoa học và quản lý giáo dục, kết hợp với kỹ năng số, phương thức quản lý, đo lường và đánh giá chất lượng hiện đại; từ đó, đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, nâng cao chất lượng giáo dục trong kỷ nguyên số. Bên cạnh khối kiến thức đại cương, sinh viên ngành Quản lý giáo dục tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp.
T.H (theo báo Tin tức)