Giao mùa xuân-hè là thời điểm mà các vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh nhất.
Và trẻ em là đối tượng dễ mắc các loại dịch bệnh do cơ thể trẻ còn yếu, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý để phòng tránh bệnh cho trẻ.
- Bệnh thủy đậu: Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Khi trẻ xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể… cần đưa trẻ đi khám các cơ sở y tế để kịp phát hiện và điều trị. Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1-12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6-10 tuần.
- Bệnh cúm: Căn bệnh này thậm chí có thể nói là xảy ra ở tất cả mọi người tùy mức độ nặng nhẹ trong thời điểm giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ. Virus cúm lây từ người này sang người khác nhanh đến mức bạn thậm chí còn không biết mình bị lây từ ai hay ai đã lây bệnh cho trẻ.
Cúm tuy không phải bệnh lý quá nguy hiểm nhưng lại gây ra những khó chịu, như: đau đầu, chảy nước mũi, ù tai, ho có đờm....Vậy nên hãy luôn luôn tìm cách giữ ấm cho trẻ, tránh xa những nguồn bệnh và hạn chế tối đa nhất việc tiếp xúc gần gũi với người đang mang bệnh cúm.
Hãy cho trẻ uống nước ấm thường xuyên, tránh đồ lạnh cũng như bổ sung dinh dưỡng cần thiết vào mỗi vừa ăn để tăng cường sức đề kháng.
- Bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là căn bệnh xảy ra vào mùa mưa ẩm và cũng là một trong những bệnh lý giao mùa nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết chính là do vết đốt của muỗi vằn mang mầm mềm bệnh. Loại muỗi này thường sinh sôi nảy nở tại các ao tù, chum vại để lâu ngoài trời không được làm sạch.
Để tránh sốt xuất huyết cần phát quang nhà cửa, vườn tược và loại bỏ tất cả các nơi mà muỗi có thể sinh sôi nảy nở. Hãy kiểm tra thân nhiệt cũng như biểu hiện của trẻ để xác định trẻ có đang bị nhiễm virus sốt xuất huyết hay không. Khi trẻ bị bệnh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Bệnh tay chân miệng: Thời tiết mùa xuân-hè là điều kiện thuận lợi để bệnh tay chân miệng phát triển. Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường có triệu chứng sốt nhẹ ban đầu, kèm theo đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trong miệng trẻ có thể có những vết loét đỏ như lở miệng. Những vết phát ban dạng phỏng nước còn xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông của trẻ. Trường hợp trẻ bị nặng có thể dẫn đến lừ đừ, run các chi, rung giật cơ, nhịp tim mạch nhanh, thở nhanh...
Trẻ bị tay chân miệng cần được đưa đi khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
- Bệnh sởi: Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và dễ bùng phát thành dịch, bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Những trẻ chưa có hoặc không có đủ đáp ứng miễn dịch với sởi thường rất dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
Các biểu hiện đặc trưng của sởi bao gồm sốt, viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc, sau đó là phát ban đặc hiệu ngoài da. Bệnh sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp phòng tránh là tiêm chủng đầy đủ. Khi phát hiện trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ lành.
- Viêm phế quản: Cần rất thận trọng và lưu ý khi trẻ mắc bệnh viêm phế quản, đặc biệt là trẻ sơ sinh vì hệ miễn dịch của bé chưa đủ mạnh để thể chống chọi và đẩy lùi được virus viêm phế quản có trong cơ thể. Các dấu hiệu nhận biết viêm phế quản thường bắt đầu bằng những cơn ho, ho liên tục, ho có đờm đặc và thở khò khè. Đôi khi trẻ không thể thở được bình thường do mũi đã bị tắc bởi nhầy và đờm đặc.
Viêm phế quản tuy không kéo dài và cũng không khó điều trị nhưng nếu không được chú ý, quan tâm bệnh có thể chuyển sang mạn tính.
- Ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm và dị ứng cùng là những loại bệnh lý giao mùa vô cùng phổ biến trong thời tiết nóng ẩm. Vì vậy, cần lựa chọn thực phẩm tươi, không ôi thiu; ăn chín, uống sôi; tránh những thực phẩm mà trẻ dị ứng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần chủ động phòng, chống dịch bệnh giao mùa bằng việc tư vấn và đưa trẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng các loại bệnh như: cúm, thủy đậu, sởi, rubela… Ngoài ra, phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng để giảm thiểu tác nhân gây bệnh. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất... giúp tăng cường sức đề kháng, miễn dịch và phòng bệnh tốt hơn.
Theo TTXVN