Nhức nhối tội phạm dâm ô trẻ em, hủy hoại rừng

08/11/2022 20:50

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực của những quy định về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại, bạo hành trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ sự xót xa khi số vụ, số đối tượng giết người, dâm ô đều tăng

Ngày 8.11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2022.

Phát biểu tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy trong công tác này còn nhiều bất cập, trong đó có hai vấn đề đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, trong khi nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt thì có loại tội phạm tiếp tục tăng. Đó là nhóm tội phạm về trật tự xã hội liên quan đến sự suy đồi, xuống cấp đạo đức xã hội. Cụ thể, tội cưỡng dâm người từ 13 - 16 tuổi, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi và tội giết người, giết người thân, mua bán người đều tăng cả về số vụ và đối tượng.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm đẩy mạnh những giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của những quy định về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại, mua bán và bạo hành trẻ em càng ngày càng trở nên nhức nhối.

Thứ hai, tội phạm hủy hoại rừng cũng tăng mạnh (số vụ hủy hoại rừng tăng 109,4%). Không nhấn mạnh lại vai trò tối quan trọng của rừng, đại biểu băn khoăn vì sao chế tài xử phạt tội hủy hoại rừng đã khá nghiêm khắc mà tội phạm này vẫn gia tăng, thậm chí tăng nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết tỷ lệ che phủ của rừng trong tổng số diện tích quốc gia là chỉ tiêu an ninh môi trường quan trọng. Từ một quốc gia dồi dào tài nguyên rừng, diện tích rừng của Việt Nam đã bị thu hẹp đáng báo động và luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Trong khi con người phải đối mặt với rất nhiều thảm họa thiên tai thì nạn phá rừng chiếm từ 12 - 20% nguyên nhân làm tăng lượng khí thải nhà kính, là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai tại Việt Nam đã khiến gần 150 người chết và mất tích, tổng giá trị thiệt hại về vật chất ước tính trên 5 nghìn tỉ đồng.

"Nếu nỗ lực giảm thiểu số vụ hủy hoại rừng thì chúng ta đã góp phần giảm nhẹ thiên tai trong tương lai. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm về môi trường, hủy hoại rừng. Công tác phòng ngừa muốn đạt hiệu quả cao thì không thể tách rời việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong bảo vệ rừng", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối tội phạm dâm ô trẻ em, hủy hoại rừng