UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quy chế làm việc thay thế quy chế cũ và có hiệu lực từ 1.4.2023.
Quyết định về việc ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh Hải Dương
Theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh Hải Dương mới ban hành, nhiều nội dung được thay đổi so với quy chế cũ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.
Nguyên nhân thay đổi do quy chế cũ căn cứ trên Quyết định số 53/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế làm việc mẫu của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua 17 năm triển khai, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp đã có nhiều thay đổi, các căn cứ pháp lý của quy chế làm việc mẫu không còn hiệu lực.
Quy chế mới gồm 8 chương, 44 điều, giảm 1 chương, tăng 1 điều so với quy chế cũ và được sửa đổi, sắp xếp, điều chỉnh lại để khoa học, logic hơn.
Về trích yếu quyết định ban hành quy chế đã bỏ cụm từ “nhiệm kỳ 2021- 2026” vì khi hết nhiệm kỳ mà UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ mới chưa kịp xây dựng quy chế mới thì có thể tiếp tục thực hiện quy chế này.
Theo quy chế mới, quyết định của UBND tỉnh Hải Dương phải được quá nửa tổng số thành viên UBND tỉnh biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và số không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Trước đó, quy chế cũ quy định nếu vấn đề chưa được trên 50% số các thành viên UBND tỉnh đồng ý thì Văn phòng UBND tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quyết định việc đưa vấn đề ra phiên họp UBND tỉnh gần nhất để thảo luận thêm. Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải tổ chức thảo luận tập thể, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh gửi toàn bộ hồ sơ và phiếu ghi ý kiến đến từng thành viên UBND tỉnh để xin ý kiến. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu ghi ý kiến, các thành viên phải có ý kiến trả lời và chịu trách nhiệm với UBND tỉnh về việc đó.
Quy chế mới quy định rõ UBND tỉnh phân công Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương (các Phó Chủ tịch phụ trách ngành, lĩnh vực) thay mặt UBND tỉnh xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh có tính cấp bách cần phải xử lý gấp, vấn đề về thủ tục hành chính, vấn đề đã được UBND tỉnh thống nhất về chủ trương, nguyên tắc và 4 nhóm vấn đề cụ thể như kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo đề án được duyệt; triển khai các chính sách, chế độ đã được HĐND tỉnh thông qua…
Chương IV quy chế cũ quy định về phiên họp UBND tỉnh, các cuộc họp, hội nghị của UBND tỉnh, của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã được sửa đổi, sắp xếp lại tại chương V quy chế mới. Trong đó, không còn cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND tỉnh để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh mà thay bằng “cuộc họp giao ban của Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh”. Nội dung cuộc họp giao ban gồm những vấn đề, công việc mà Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thấy cần trao đổi lấy ý kiến tập thể, những việc chưa xử lý được qua xem xét hồ sơ, phiếu trình (bao gồm cả những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh). Các vấn đề khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Các nội dung khác như mối quan hệ công tác, quy trình giải quyết công việc, chương trình công tác; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ; tiếp khách, đi công tác; thông tin, báo cáo của quy chế mới chỉ sửa đổi, sắp xếp lại cho phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ.
PHONG TUYẾT