Nhiều mục tiêu, giải pháp đột phá xây dựng đội ngũ cán bộ

19/08/2021 06:02

Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho công tác cán bộ của tỉnh.


Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 thảo luận tại Hội nghị lần thứ 5. Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (ảnh tư liệu)


Ngày 15.8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá.

Đến hết năm 2025, tất cả Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương 

Đề án đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, bố trí 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện bố trí ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Bố trí 10-15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Đến hết năm 2025, có ít nhất 30% số Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND.

Theo mục tiêu của đề án, đến hết năm 2025, trên 20% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên cao cấp; 100% số lãnh đạo cấp sở, ngành và 70% số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý bảo đảm tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính (trừ cán bộ cấp xã). Hải Dương phấn đấu có từ 10-15% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; có ít nhất 2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dưới 45 tuổi; có ít nhất 15% số cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi; 10% trở lên cấp ủy viên cấp xã dưới 30 tuổi. 

Mỗi năm luân chuyển ít nhất 10% số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giữa các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, giữa tỉnh và huyện, thị xã, thành phố, giữa các huyện, thị xã, thành phố. 

Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến hết năm 2030.


Các học viên dự khai giảng trực tuyến lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương năm 2021


Đánh giá cán bộ chuyển từ "định tính" sang "định lượng"

Để đạt được những mục tiêu đề ra, đề án xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với nhiều nội dung mới, đột phá. Trước hết là đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ, trong đó thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác. Tiêu chí, nội dung đánh giá chuyển từ đánh giá "định tính" sang đánh giá "định lượng". Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng trở lên hằng năm phải có bản đăng ký nêu gương, trọng tâm là khắc phục hạn chế thiếu sót đã chỉ ra của năm trước; đăng ký 1-2 việc đột phá, sáng tạo, cấp bách gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ. Căn cứ vào kết quả cụ thể việc thực hiện đăng ký để đánh giá, xếp loại cán bộ. Cơ quan có thẩm quyền có thể bố trí công tác khác với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ đã đăng ký mà không cần phải chờ hết nhiệm kỳ hoặc hết thời gian bổ nhiệm.

Bổ sung quy định cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn (từ cấp phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên) phải xây dựng và trình bày chương trình hành động tại hội nghị bước 2 của quy trình nhân sự (trước khi hội nghị tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự) và tại hội nghị tập thể lãnh đạo (trước khi tập thể lãnh đạo bỏ phiếu biểu quyết bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử). 

Thực hiện thí điểm một số chủ trương mới của Trung ương

Theo đề án, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm việc luân chuyển cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) hiện là lãnh đạo cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt ở cấp xã để tạo nguồn từ xa cho các chức danh chủ chốt cấp huyện, sở, ngành và cấp tỉnh. Tỉnh cũng sẽ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Ban hành chính sách động viên, hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn, sức khỏe yếu, gần đến tuổi nghỉ hưu về nghỉ hưu trước tuổi để tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã hoặc luân chuyển cán bộ về để đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số chủ trương mới của Trung ương như: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ theo một quy trình nhất định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình. Hải Dương sẽ thực hiện đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp sở, ngành; lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh, cấp huyện. 

Hằng năm, cấp uỷ các cấp tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ theo phân cấp quản lý. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước và các quy định, quy chế của địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt các hình thức giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, nhất là tại cộng đồng dân cư. Nghiên cứu xây dựng quy định về lấy ý kiến thăm dò tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

PV

(0) Bình luận
Nhiều mục tiêu, giải pháp đột phá xây dựng đội ngũ cán bộ