Đến nay, số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp xã, kết quả thực hiện một số tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo đã sớm vượt chỉ tiêu theo Đề án 02.
Cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia cấp ủy cấp xã đạt gần 27%
Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã xem xét báo cáo kết quả thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 15/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, Hải Dương đã có những chỉ tiêu sớm hoàn thành so với mục tiêu của Đề án 02-ĐA/TU đề ra.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định: Đến năm 2023, đã có 25,2% số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên cao cấp (mục tiêu đến hết năm 2025 đạt trên 20%); 100% cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính (đạt mục tiêu đến hết năm 2025); 86% số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý (không gồm cán bộ cấp xã) bảo đảm tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính (mục tiêu đến hết năm 2025 đạt 70%).
Toàn tỉnh có 869 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia cấp ủy cấp xã, đạt 26,87% (mục tiêu của Đề án không dưới 15%).
Cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Triển khai thực hiện các nội dung công tác cán bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, công khai, minh bạch, đúng quy trình. Công tác đánh giá cán bộ có sự đổi mới, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được triển khai tích cực…
Thực hiện tốt các giải pháp trong Đề án 02-ĐA/TU góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Còn thiếu quyết liệt bố trí công tác khác với cán bộ năng lực hạn chế
Cùng với kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề trong thực tiễn chưa chủ động, thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã đạt thấp. Tỷ lệ cán bộ trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn còn rất hạn chế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm có nơi còn hình thức, tỷ lệ "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" còn vượt so với quy định. Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử có lúc, có nơi chưa coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc. Còn thiếu quyết liệt trong việc bố trí công tác khác đối với cán bộ năng lực còn hạn chế…
Một trong những nguyên nhân của các hạn chế là một số cấp ủy, lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa tập trung lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trong Đề án 02-ĐA/TU; trách nhiệm về cán bộ, công tác cán bộ chưa thật sự toàn diện, sâu sắc; chưa có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra 6 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Đề án 02-ĐA/TU.
Trong đó, Hải Dương sẽ thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định về bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ.
PV