Nhiều hình thức lừa đảo mới qua mạng

14/07/2023 09:00

Hơn 1 tuần qua, trên một số trang mạng xã hội rộ lên chiêu trò lừa người dân cài các ứng dụng (app) giả mạo của Chính phủ, Tổng cục Thuế.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ban đầu đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện hoặc liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế hoặc công an để định danh điện tử. Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dùng tải app giả mạo của Chính phủ, Tổng cục Thuế trên các trang website giả. Khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải app giả mạo chứa mã độc về, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động. Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa nhằm đánh cắp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng. Khi đã có thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng, các đối tượng sẽ dùng nhiều chiêu trò lấy mã OTP chuyển tiền để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân. Các đối tượng còn làm giả logo của cơ quan nhà nước, giả mạo nút “Cài đặt” để điều hướng nạn nhân sang đường dẫn tải file độc hại; đồng thời giả mạo đánh giá, bình luận tốt về app cài mã độc.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết hiện trên địa bàn Hải Dương chưa ghi nhận trường hợp nào bị lừa đảo tải app giả mạo của Chính phủ hoặc Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hình thức lừa đảo thông qua tải app tìm việc làm diễn ra phổ biến trên cả nước, trong đó có không ít nạn nhân là người Hải Dương, có trường hợp trình báo bị lừa mất hàng tỷ đồng. Lợi dụng nhiều người thất nghiệp hoặc lên mạng tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập, các đối tượng lập ra các app giả mạo như "việc nhẹ lương cao", nhập liệu (Kdata), đầu tư vé xem phim (Disneys)..., rồi mời kết bạn qua Zalo để hướng dẫn sử dụng, đăng ký tài khoản, nộp tiền vào tài khoản của đối tượng để tạo đơn hàng, đầu tư mua vé. Ban đầu các đối tượng làm "mồi nhử", trả cả gốc và lãi cho người chơi với số tiền nhỏ. Khi đã "cắn câu", các đối tượng tiếp tục dùng chiêu trò chào mời "con mồi" nộp thêm tiền thành nhiều đợt, tạo càng nhiều đơn hàng, đầu tư càng nhiều tiền. Ngay cả khi người chơi chốt lãi muốn rút gốc về vẫn tiếp tục bị lừa phải nộp thêm thuế thu nhập cá nhân. Khi người chơi không thể rút tiền mới biết mình bị lừa.

Các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp, theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Để phòng tránh các chiêu thức lừa đảo trên môi trường số, mới đây nhất ngày 10.7, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo về 3 nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng.

Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã cảnh báo người dân về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin như combo du lịch giá rẻ, cuộc gọi video giả mạo, giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, thông báo khóa SIM vì chưa chuẩn hóa... Sở cũng khuyến cáo người dân "5 không" khi giao dịch trên không gian mạng gồm: không  đăng nhập vào đường link lạ; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để mua đơn hàng theo yêu cầu của đối tượng; không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính; không cung cấp mã OTP cho người khác. Đặc biệt, khi có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, người dân chỉ nên tải app trên các kho ứng dụng uy tín CH Play và App Store. Tuyệt đối không cấp cho ứng dụng quyền điều khiển thiết bị.

NHẤT NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hình thức lừa đảo mới qua mạng