Hải Dương cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực đã cùng nhau bàn giải pháp để ngăn chặn hành vi sử dụng trạm BTS giả, nhất là trong những sự kiện lớn năm 2025.
Sáng 20/11, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương phối hợp Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội nghị phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện năm 2024.
Đến dự hội nghị có lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực 5: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và Hải Dương.
Theo thông tin tại hội nghị, đến nay trên địa bàn Hải Dương và các tỉnh, thành phố nói trên chưa phát hiện trạm BTS giả (thiết bị giả mạo hoạt động như một trạm phát sóng BTS). Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 đã chuẩn bị các kịch bản để chủ động xử lý ngay khi phát hiện về trạm BTS giả, nhất là tại các lễ hội, sự kiện lớn.
Trạm BTS giả được các đối tượng sử dụng nhằm mục đích phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh để gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Sóng của các trạm BTS giả sẽ đè lên sóng của nhà mạng. Trong khoảng cách 100 m, các thiết bị di động sẽ kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng.
Những trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn một phút và 80.000-100.000 tin nhắn mỗi ngày. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh trang web của tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi như sử dụng thiết bị kích thước nhỏ giấu trong ba lô, dùng phương tiện xe máy, ô tô để thuận tiện di chuyển, thậm chí di chuyển không có quy luật qua các tuyến đường đông dân cư vào các khung giờ cao điểm.
Năm 2025, Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa thể thao, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp.
Lãnh đạo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương thuộc khu vực nhất trí đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện hỗ trợ kiểm soát lưu động, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu có các hành vi sử dụng trạm BTS giả để lừa đảo, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại đại phương.
Tại hội nghị, Cục Tần số vô tuyến điện đã tặng giấy khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện năm 2024.
Đến cuối năm 2024, trên địa bàn khu vực 5 có 1.816 cá nhân, tổ chức sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện với gần 3.430 giấy phép sử dụng được cấp (không tính ngư dân, đài tàu cá). Trong đó, Hải Dương có 179 tổ chức, cá nhân với 424 giấy phép.
Trong năm qua, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương thuộc khu vực phối hợp thực hiện kiểm tra đột xuất 51 đơn vị.
Kết quả, xử phạt 45 đơn vị, tăng 31 đơn vị so với năm 2023, với tổng số tiền gần 105 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm, chủ yếu là sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép (39 đơn vị), sử dụng không đúng tần số quy định trong giấy phép (12 đơn vị).
Trong đó, Hải Dương xử phạt 5 đơn vị (4 đơn vị không có giấy phép, 1 đơn vị sử dụng thiết bị được miễn cấp phép nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác) với tổng số tiền hơn 16 triệu đồng.
Năm qua, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 đã kiểm tra, xác minh đối với 48 báo cáo phát xạ (báo cáo về điểm phát sóng gây nhiễu), trong đó có 6 điểm tại Hải Dương. Đây là những trường hợp sử dụng tần số vô tuyến điện trong khu vực công trường thi công, bến bãi; một số địa phương sử dụng đài truyền thanh không dây không có giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc sử dụng không đúng tần số quy định; sử dụng mic không dây…