Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, do ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, một phần do công tác quản lý, giám sát còn lỏng lẻo.
Công ty CP Đầu tư - Phát triển Đức Trí đã bị xử phạt vì san lấp trái phép khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu dân cư thương mại và chợ Cộng Hòa
Tình trạng doanh nghiệp san lấp mặt bằng khi chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai xảy ra nhiều trong thời gian gần đây. Mặc dù các vi phạm đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhưng để ngăn chặn triệt để tình trạng này cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp do vi phạm về hành vi tự ý sử dụng đất, chiếm dụng, san lấp đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê và bàn giao đất theo quy định. Vi phạm không chỉ xảy ra ở doanh nghiệp trong nước mà ở cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngày 28.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản quyết định xử phạt Công ty TNHH Gorgeous Apparel ở cụm công nghiệp Hoàng Tân (Chí Linh) 640 triệu đồng về hành vi chiếm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị. Công ty này là doanh nghiệp FDI, được tỉnh cấp phép đầu tư nhà máy gia công hàng may mặc xuất khẩu tại cụm công nghiệp Hoàng Tân vào tháng 8.2020. Diện tích thực hiện dự án là hơn 5,3 ha. Đến nay, UBND TP Chí Linh đang hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường. UBND tỉnh chưa ban hành các quyết định chuyển mục đích, cho thuê đất. Dù vậy, từ ngày 10.5-30.9.2021, đơn vị nhận thầu thi công dự án này đã tiến hành san lấp hơn 4,8 ha.
Cũng tại TP Chí Linh, ngày 23.9, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Đức Trí bị tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 480 triệu đồng về hành vi chiếm dụng, san lấp đất khi chưa đủ thủ tục. Trước đó, tháng 8.2020, công ty được tỉnh chấp thuận đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu dân cư thương mại và chợ Cộng Hòa thuộc 2 phường Cộng Hòa và Hoàng Tân. TP Chí Linh đã thực hiện thu hồi đất đợt 1. Công ty đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ có đất thu hồi nhưng chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, từ ngày 23.6 -15.9.2021, công ty đã thực hiện san lấp hơn 2,6 ha.
Ngoài ra, từ tháng 8.2020 đến nay, tại một số địa phương như Tứ Kỳ, Thanh Hà, Thanh Miện cũng có trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt về hành vi lấn chiếm, san lấp, sử dụng đất khi chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai. Một số vụ việc vi phạm đã được báo chí phản ánh như: Công ty TNHH Nhung Xuyến ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) bị tỉnh xử phạt 170 triệu đồng vào tháng 8.2021; đầu tháng 10.2021, Công ty TNHH một thành viên Đỗ Hữu Vang ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) bị tỉnh xử phạt 520 triệu đồng...
Theo đánh giá của Phòng Nghiệp vụ quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, các doanh nghiệp vi phạm kể trên vẫn chưa được tỉnh cho thuê đất và được cơ quan chức năng bàn giao đất trên thực địa. Có doanh nghiệp vi phạm đã cơ bản hoàn thành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, đang thực hiện thủ tục tiếp theo để thuê đất. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp vi phạm khi chưa thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai và tiến hành san lấp khi mới có quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh.
Không chỉ lỗi của doanh nghiệp
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp chưa tốt. Thực tế có doanh nghiệp sau khi bị chính quyền địa phương xử phạt, yêu cầu dừng san lấp nhưng vẫn cố tình thực hiện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các thủ tục liên quan đến dự án. Nhiều thủ tục vướng mắc kéo dài nên doanh nghiệp không được giao đất kịp thời, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ theo yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp vì nóng vội nên đã vừa triển khai dự án vừa thực hiện các thủ tục.
Ngoài ra, do công tác quản lý, giám sát của nhiều địa phương còn lỏng lẻo hoặc không thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, doanh nghiệp có tâm lý nhìn nhau, vừa làm vừa “nghe ngóng”. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, cùng với nguyên nhân từ phía chính quyền địa phương, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của ngành chưa thường xuyên, kịp thời. Cán bộ chuyên môn ít, trong khi khối lượng công việc của Thanh tra sở rất lớn, lại thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất.
Khi doanh nghiệp vi phạm, chiếm dụng, san lấp đất trái phép thì tỉnh mới chỉ xử phạt lỗi của doanh nghiệp mà chưa xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo địa phương khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý. Bởi lẽ, mặc dù dự án được tỉnh cấp phép nhưng quá trình giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai do chính quyền sở tại thực hiện. Vì vậy, nếu địa phương giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm thì sẽ không có hiện tượng này.
Trước thực trạng này tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để ngăn chặn kịp thời. Nếu không vi phạm còn tái diễn, tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp thực hiện đầu tư trên địa bàn và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
PV